Thận và vai trò quan trọng đối với cơ thể
Thận có vai trò quan trọng trong cơ thể, thận khỏe mạnh lọc khoảng nửa cốc máu mỗi phút, loại bỏ chất thải và nước thừa để tạo thành nước tiểu. Nước tiểu chảy từ thận đến bàng quang qua hai ống cơ mỏng được gọi là niệu quản, một ống ở mỗi bên bàng quang. Bàng quang của bạn lưu trữ nước tiểu. Thận, niệu quản và bàng quang là một phần của đường tiết niệu.
Tóm tắt nội dung
Cấu tạo của thận
Thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu, nằm sát thành sau của bụng và ở hai bên cột sống gần cơ thắt lưng chính. Thận nằm ngang đốt ngực cuối cùng đến đốt thắt lưng L3 trong khung xương sườn. Thận phải nằm thấp hơn so với thận bên trái khoảng 1 đốt sống.
Thận có hình hạt đậu màu nâu nhạt, mỗi quả thận có kích thước chiều dài khoảng 10-12.5 cm, rộng 5-6cm, dày 3-4cm và có trọng lượng khoảng 170g. Mặt trước của thận nhẵn bóng còn mặt sau thì sần sùi, có bờ lồi và bờ lõm. Ở chính giữa thận trái và thận phải có một chỗ lõm sâu gọi là rốn thận.
Mỗi quả thận được cấu tạo từ 1,2 triệu nephron, đơn vị chức năng của thận. Chỉ cần 25% tổng số lượng nephron hoạt động bình thường thì chức năng thận sẽ được đảm bảo. Mỗi nephron có chiều dài là 35-50mm, tổng chiều dài toàn bộ nephron của 2 thận có thể lên tới khoảng 70-100km. Nephron được chia thành 2 loại là Nephron vỏ và Nephron cận tủy. Trong đó:
Nephron vỏ: Chiếm 85% tổng số nephron, có cầu thận nằm ở vùng vỏ thận, có quai Henle ngắn và cắm bên ngoài tủy thận.
Nephron cận tủy: Giữ vai trò quan trọng trong việc cô đặc nước tiểu nhờ hệ thống nhân nồng độ ngược dòng. Cầu thận nằm ở khu vực vùng vỏ tiếp giáp với phần tủy thận, có quai Henle dài và cắm sâu vào tủy thận
Thận bao gồm 2 vùng là vùng vỏ và vùng tủy. Vùng vỏ nằm ở vị trí ngoài cùng của thận, có màu đỏ hoặc đỏ sẫm, dày khoảng 7-10mm. Vùng tủy và các bể thận là phần kế tiếp chứa nhiều mô mỡ, mạch máu và dây thần kinh.
Mỗi đơn vị chức năng của thận bao gồm cầu thận và các ống thận
Cầu thận thuộc phần vỏ thận, nếu nhìn qua kính lúp có thể thấy các chấm đỏ li ti với đường kính khoảng 0,2mm. Nang cầu thận (hay còn gọi là bọc Bowman) là một túi lõm bên trong có búi mạch thông với ống lượn gần. Búi mạch gồm khoảng 20-40 mao mạch, xuất phát từ tiểu động mạch đến cầu thận và ra khỏi bọc Bowman bằng tiểu động mạch.
Ống thận bao gồm ống lượn xa, ống lượn gần và quai Henle. Ống lượn gần sẽ nhận dịch lọc từ nang đổ sang, dẫn đến quai Henle, chuyển đến ống lượn xa của quai Henle rồi đổ vào ống góp. Ống góp không thuộc đơn vị thận mà chỉ có chức năng nhận dịch lọc từ một số nephron, sau đó đổ vào bể thận.
Ống lượn gần là đoạn tiếp nối với bọc Bowman ở phần vỏ thận, bao gồm 1 đoạn cong và 1 đoạn thẳng.
Quai Henle là phần tiếp theo của ống lượn gần. Quai Henle gồm 1 nhánh xuống mảnh, đoạn đầu nhánh lên mảnh, còn đoạn cuối dày.
Ống lượn xa là phần nối tiếp quai Henle và cũng nằm ở vùng vỏ.
Chức năng của thận là gì?
Chức năng của thận là giúp cơ thể lọc máu, loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu. Bên cạnh đó, thận còn giúp điều hòa thể tích máu trong cơ thể người, giữ chức năng bài tiết, nội tiết. Cụ thể như sau:
Lọc máu và chất thải
Thận giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc làm sạch chất độc có trong máu. Theo đó, chúng sẽ loại bỏ đi những chất thải, đồng thời cân bằng chất lỏng bên trong cơ thể người, duy trì ổn định mức điện giải. Bên cạnh đó, thận còn giữ nhiệm vụ cung cấp hormon erythropoietin kích thích quá trình tủy xương hình thành các tế bào hồng cầu.
Ngoài ra, những tế bào đặc biệt có trong thận sẽ giúp theo dõi nồng độ oxy có trong máu. Trường hợp nồng độ oxy giảm, ngược lại erythropoietin tăng lên thì cơ thể sẽ được kích thích để sản sinh thêm nhiều hồng cầu.
Bài tiết nước tiểu
Nước tiểu được lưu giữ bên trong bàng quang, sau khi đầy, cơ thể bắt đầu có cảm giác muốn đi tiểu tiện. Khi đó, nước tiểu sẽ từ bàng quang đi xuống niệu đạo để tống ra bên ngoài.
Có thể nói, do con người liên tục thay đổi đồ ăn, thức uống hàng ngày nên thành phần có trong máu cũng thay đổi không ngừng nghỉ. Điều này có nghĩa là thận sẽ phải làm việc hết công suất liên tục. Khi đó, máu đi vào trong động mạch tại thận liên tục phân nhánh, rồi phân thành các mao mạch li ti bám chặt vào nephron.
Như đã đề cập, mỗi quả thận sẽ có vô số nephron với nhiệm vụ tạo thành một hệ thống mạng lưới các đầu lọc và cảm biến để thực hiện công việc lọc sạch máu. Có thể nói, khu vực này là một hệ thống cảm biến hoàn hảo và cực kỳ chính xác của cơ thể.
Thận lúc này sẽ đóng vai trò của một chiếc màng lọc, chỉ khi những thành phần được cho phép mới được thông qua, chẳng hạn như vitamin, khoáng chất. Song song đó, các mao mạch sẽ kiểm tra liên tục xem liệu cơ thể có đang cần chất này hay không. Nếu cần, chúng sẽ được hấp thụ với lượng vừa đủ và được cấp phép lưu thông trong máu.
Trên thực tế, trong máu ngoài những chất có công dụng hữu ích cho cơ thể thì vẫn còn mang theo một lượng chất thải không cần thiết. Khi đó các nephron sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và xử lý chúng. Trường hợp tiểu quản phát hiện ra những chất cơ thể không cần đến, chúng ngay lập tức sẽ được thận đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu.
Trong thành phần cơ bản của nước tiểu cũng sẽ có nước nếu trường hợp thận nhận thấy trong máu có quá nhiều nước. Lượng nước thừa đó sẽ được gom lại để tích trữ bên trong bàng quang sau đó bài tiết ra bên ngoài. Còn ngược lại, trường hợp trong máu không đủ nước, thận sẽ căn chỉnh cho phù hợp giữ nước trong máu và nước có trong nước tiểu.
Đó là lý do vì sao bạn nhận thấy nước tiểu có màu vàng khi bạn uống nước ít.
Chức năng nội tiết
Thận sẽ bài tiết hormone renin giúp điều hòa huyết áp và sản xuất erythropoietin để tăng sản xuất hồng cầu ở tủy xương khi oxy mô giảm. Bên cạnh đó, thận cũng tham gia vào chuyển hóa vitamin D3, glucose từ nguồn không phải hydrat carbon khi cơ thể bị nhiễm acid hô hấp mạn tính hoặc cơ thể bị nhịn đói lâu ngày.
Điều hòa thể tích máu
Thận cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể qua việc sản xuất ra nước tiểu. Khi cơ thể được bổ sung nhiều nước thì lượng nước tiểu cũng sẽ tăng lên và ngược lại, hàm lượng nước tiểu sẽ ít nếu chúng ta uống quá ít nước.
Tóm lại, thận có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Mỗi quả thận sẽ giữ vai trò riêng, chúng không chỉ giúp quá trình vận hành trong cơ thể diễn ra suôn sẻ mà còn giúp con người duy trì được sức khỏe. Tuy có kích thước nhỏ nhưng hai quả thận đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và sự sống của con người.
Làm gì để thận được khỏe mạnh
Thận giữ vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự sống của con người. Thận khỏe sẽ giúp cơ thể bài tiết chất thải ra ngoài cơ thể và nếu thận yếu, các chất độc sẽ đọng lại bên trong cơ thể gây tắc nghẽn và làm tổn thương thận nghiêm trọng.
Chính vì vậy, làm thế nào để bảo vệ thận khỏe mạnh, chức năng của thận hoạt động tốt là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Hoạt động của thận ảnh hưởng rất nhiều từ lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Chính vì vậy, người bệnh cần điều chỉnh các thói quen sinh hoạt để tránh gây tổn thương đến thận. Một số điều mà bạn cần lưu ý về lối sống sinh hoạt bao gồm:
- Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để hỗ trợ quá trình thanh lọc các chất thải ra ngoài cơ thể.
- Không nên làm việc quá sức dẫn đến tình trạng stress vì điều này sẽ càng làm tăng gánh nặng lên thận.
- Việc luyện tập thể dục sẽ giúp duy trì cơ thể cân đối, tăng sức dẻo dai và phòng ngừa tăng huyết áp.
- Không hút thuốc lá bởi đây là chất có thể làm tổn thương mạch máu hoặc làm giảm lượng máu trong thận.
- Không nên lạm dụng các loại thuốc kê đơn bởi có thể gây tổn thương đến thận.
Ăn uống khoa học
Thận giống như chiếc máy bơm hoạt động suốt ngày để thải độc ra khỏi cơ thể. Vì vậy, để giảm tải áp lực cho thận, bạn nên kiêng các thực phẩm giàu protein, kali, photphat, đồ ăn quá ngọt, nhiều dầu mỡ hoặc quá mặn.
Ngoài ra, các loại thức ăn nhanh, đồ uống có cồn và đồ ăn đóng hộp… chứa rất nhiều calo nhưng lại ít khoáng chất và vitamin, khiến cơ thể suy yếu, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh suy thận phát triển cũng cần hạn chế thu nạp vào cơ thể.
Thay vào đó, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin, magie, sắt… để tăng cường chức năng và hoạt động của thận. Cụ thể, những thực phẩm giúp khỏe thận bệnh nhân có thể tham khảo là:
Trái cây: Bơ, đu đủ, bưởi, táo, dứa, lê, nho… Tránh ăn các loại trái cây như quả dứa, quả chuối, cam, quýt…
Rau củ: cải bắp, cải xoăn, cải thảo, súp lơ, ớt chuông đỏ, măng tây…
Nước uống: nước ép cà rốt, nước dừa,…
Có lối sống tình dục điều độ
Quan hệ tình dục trong tình trạng cơ thể mệt mỏi sẽ dễ ảnh hưởng đến tinh khí, hoạt động lưu thông máu. Ở nam giới, quan hệ tình dục bừa bãi sẽ gây suy yếu tinh lực, ảnh hưởng đến sức khỏe, chức năng của thận. Vậy nên bạn cần chú ý về tần suất quan hệ tình dục để tránh ảnh hưởng đến thận.
Một số lưu ý khi quan hệ tình dục giúp bảo vệ thận khỏe mạnh như sau:
- Theo dõi sức khỏe, không quan hệ khi cơ thể mệt mỏi, stress và chán nản.
- Duy trì thói quen quan hệ lành mạnh, chỉ một vợ một chồng và không quan hệ bừa bãi.
- Dùng các biện pháp phòng tránh nếu bản thân chưa lập gia đình.
- Khám nam khoa định kỳ mỗi năm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh kết hợp với việc luyện tập các bài tập thể dục thường xuyên sẽ giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường chức năng của thận hiệu quả. Đồng thời, người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để biết được thận vẫn hoạt động bình thường và phát hiện sớm nếu thận có vấn đề.