Bệnh viêm cầu thận: nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị bệnh
1. Viêm cầu thận là gì?
Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Viêm cầu thận gây ra các biểu hiện như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thay đổi thành phần nước tiểu,… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy thận, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong.
Viêm cầu thận gồm 2 thể là viêm cầu thận cấp tính và viêm cầu thận mạn tính. Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cấp tính tại cầu thận, xuất hiện sau khi nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A do nhiễm khuẩn ngoài da hoặc sau viêm họng, có thể hồi phục hoàn toàn sau 4 – 6 tuần điều trị. Còn viêm cầu thận mạn là tình trạng viêm mạn tính tại cầu thận, tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến xơ teo cả 2 thận, không hồi phục được kể cả khi đã điều trị tích cực.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận
- Viêm họng hay nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A ở một số type – là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm cầu thận cấp;
- Lupus ban đỏ hệ thống;
- Đái tháo đường;
- Bệnh thận IgA;
- Xơ hóa cầu thận khu trú;
- Tăng huyết áp không kiểm soát;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, hóa chất;
- Nguyên nhân khác: Viêm mạch nhỏ dạng nút, viêm cầu thận trong bệnh Osler,…
3. Triệu chứng bệnh viêm cầu thận
- Phù mặt, 2 chân, chủ yếu phù vào buổi sáng, chiều giảm phù;
- Tăng huyết áp, xuất hiện thường xuyên trong giai đoạn cấp, xuất hiện thỉnh thoảng với viêm cầu thận mạn. Tăng huyết áp kéo dài gây tổn thương đáy mắt, suy tim hoặc tai biến mạch máu não;
- Tiêu ra máu đại thể, nước tiểu có màu như nước rửa thịt, không đông. Mỗi ngày tiểu ra máu 1 – 2 lần, không thường xuyên, sau số lần tiểu ra máu thưa dần, 3 – 4 ngày bị một lần rồi hết hẳn;
- Biến đổi nước tiểu như thiểu niệu hoặc vô niệu;
- Suy tim, sốt nhẹ 37,5 – 38,5°C, đau vùng thắt lưng âm ỉ hoặc dữ dội, đau bụng, trướng bụng nhẹ, buồn nôn, đi lỏng, thiếu máu.
4. Phòng ngừa và điều trị bệnh viêm cầu thận
- Giải quyết các ổ nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn mạn tính vùng họng, điều trị viêm tai giữa, cắt amidan hốc mủ,… và chốc đầu, sưng thấy mủ ngoài da;
- Điều trị bệnh nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A bằng kháng sinh;
- Không làm việc quá sức, tránh nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn;
- Theo dõi sau điều trị tối thiểu 1 năm;
- Chế độ ăn nhạt, hạn chế đạm trong trường hợp viêm cầu thận cấp có suy thận;
- Nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn cấp khoảng 2 – 4 tuần, sau giai đoạn cấp chỉ hoạt động thể lực nhẹ nhàng.