Đi tiểu buốt có phải là dấu hiệu của mang thai không?

Đi tiểu buốt có phải dấu hiệu của mang thai không là vấn đề được nhiều chị em bàn luận sôi nổi với các luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng tiểu buốt là dấu hiệu mang thai, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu của bệnh viêm phụ khoa. Vậy để giải đáp chính xác vấn đi tiểu buốt là bệnh gì, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Đi tiểu buốt có phải mang thai không?

Thông thường, khi chị em phụ nữ mang thai thì cơ thể sẽ có rất nhiều thay đổi và những thay đổi này đều có thể cảm nhận được ngay từ ban đầu. Chậm kinh là yếu tố đầu tiên để xác định chị em phụ nữ có khả năng mang thai, bên cạnh đó còn rất nhiều dấu hiệu khác dễ dàng nhận biết.

Một số chị em phụ nữ sau khi quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ thấy có hiện tượng đi tiểu buốt và băn khoăn không biết đi tiểu buốt có phải mang thai không?

Về vấn đề này, các chuyên gia có câu trả lời như sau: tiểu buốt không phải là dấu hiệu đặc trưng cũng không phải là dấu hiệu báo có thai ở nữ giới thế nên chị em không nên chủ quan.

Rất hiếm có trường hợp mang thai báo hiệu bằng dấu hiệu đi tiểu buốt mà có thể đây đang là một vấn đề bất thường của sức khỏe, báo hiệu của một bệnh lý nguy hiểm nào đó…

Đi tiểu buốt không phải dấu hiệu đặc trưng của phụ nữ mang thai

Nguyên nhân đi tiểu buốt ở nữ giới 

Thực tế nguyên nhân gây nên hiện tượng tiểu buốt ra máu rất nhiều và được chia thành sinh lý và bệnh lý.

Nhiễm trùng đường tiểu dưới

Đây được xem là nguyên nhân tiểu buốt ở nữ giới có tỷ lệ gặp cao nhất. Nguyên nhân là do giải phẫu niệu đạo ở phụ nữ ngắn hơn nam giới, lỗ niệu đạo lại nằm gần hậu môn hơn khiến một số loại vi khuẩn (đặc biệt là E.coli) dễ dàng xâm nhập vào đường tiểu, gây nên bệnh nhiễm trùng đường tiểu dưới. Một số dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở nữ giới:

  • Tiểu buốt, cảm giác mót tiểu liên tục, nước tiểu đục, mùi hôi và đôi khi tiểu ra máu.
  • Do niệu đạo nằm gần âm đạo nên thường kèm theo triệu chứng viêm âm đạo như ra nhiều khí hư bất thường, ngứa rát, sưng tấy vùng kín.
  • Đôi khi người bệnh sốt nhẹ, ớn lạnh
  • Đau vùng bụng dưới, đau tăng lên khi quan hệ.

Nhiễm trùng đường tiểu dưới là nguyên nhân chính gây tiểu buốt ở nữ giới

Viêm bàng quang

Đây cũng là một nguyên nhân gây tiểu buốt ở nữ giới, hay gặp ở những phụ nữ quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh vùng kín sai cách, do thay đổi nội tiết tố hoặc mặc quần lót quá chật… Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây viêm các khu vực lân cận như tử cung, âm đạo hoặc niệu quản. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh:

  • Tiểu buốt, số lần tiểu trên 7 lần/ngày mà vẫn còn cảm giác mắc tiểu, đôi khi tiểu đau buốt.
  • Nước tiểu đổi màu, có mùi lạ, đôi khi còn kèm theo máu và mủ.
  • Sốt nhẹ, đau bụng hoặc hay cáu gắt do việc đi tiểu liên tục gây ra

Một số nguyên nhân khác

  • Quan hệ tình dục không an toàn: quan hệ thô bạo, nhiều bạn tình và không an toàn làm tăng khả năng nhiễm trùng, tổn thương bộ phận sinh dục và sẽ lây lan sang đường tiểu (niệu đạo, bàng quang), biểu hiện bằng triệu chứng tiểu buốt
  • Thói quen vệ sinh không đúng cách: bản chất giải phẫu ở nữ giới nên đường tiểu dễ dàng bị nhiễm trùng chéo từ cơ quan sinh dục. Do đó, nếu không vệ sinh sạch sẽ (đặc biệt là trong những ngày hành kinh hoặc sau quan hệ tình dục) thì nguy cơ cao sẽ nhiễm trùng cả hệ sinh dục và đường tiểu và gây tiểu buốt ở nữ giới.
  • Do dị ứng với các chất tẩy rửa, nước xả vải, dung dịch vệ sinh, giấy vệ sinh… khiến âm đạo tổn thương dẫn đến tiểu rắt, tiểu buốt
  • Do thói quen nhịn tiểu hoặc sụt rửa âm đạo sâu gây mất cân bằng môi trường âm đạo.

Điều trị tiểu buốt ở nữ giới

Điều trị tiểu buốt ở nữ giới được chia thành 2 trường hợp: Trường hợp nhẹ và trường hợp nặng 

Trường hợp nhẹ

Nếu tình trạng tiểu rắt , tiểu buốt xuất hiện do nguyên nhân sinh lý, có thể hỗ trợ điều trị bằng các phương pháp sau:

  • Phượng vĩ thảo: Phượng vĩ thảo tính lạnh, vị ngọt nhạt hơi đắng. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chữa tiểu rắt, tiểu buốt…
  • Dùng rau mồng tơi: Mồng tơi vị chua ngọt, tính lạnh có tác dụng giải độc nhuận tràng, thanh nhiệt. Có thể lấy cuống và lá mồng tơi rửa sạch, đun với nước uống thay trà.
  • Bột sắn dây: Sắn dây vị ngọt, tính mát, quy vào kinh phế, bàng quang và tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông đường tiết niệu, trị tiểu đường. Mỗi ngày pha 10g bột sắn khô với nước ấm để uống.

Mồng tơi là bài thuốc chữa tiểu buốt, tiểu rắt đơn giản, hiệu quả

Trường hợp nặng

Nếu tiểu buốt ở nữ giới do các bệnh lý viêm nhiễm gây ra, kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường hoặc tái đi tái lại thì bệnh nhân cần gặp bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp. Bệnh nhân không nên e ngại, giấu bệnh, tự chẩn đoán, tự điều trị khi không biết chính xác nguyên nhân gây tiểu buốt.

Một số phương pháp điều trị thường gặp là kháng sinh, kháng viêm nếu do nhiễm trùng đường tiểu hoặc viêm âm đạo; thuốc kháng nấm nếu do viêm do nấm gây ra; giảm đau hoặc thuốc sát khuẩn đường tiểu (methylene blue)…

Phòng ngừa tiểu buốt ở nữ giới

  • Uống nhiều nước, từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
  • Chế độ dinh dưỡng nhiều rau củ quả tươi, đủ các nhóm chất khác nhau.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ cho luôn khô thoáng, thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến kỳ kinh nguyệt.
  • Không mặc quần lót ẩm ướt.
  • Hạn chế sử dụng dung dịch vệ sinh dễ gây kích ứng, có chứa chất tẩy rửa mạnh.
  • Hạn chế thụt rửa sâu hoặc phun nước trực tiếp vào âm đạo.
  • Không nên nhịn tiểu, cần xây dựng lối sống tình dục an toàn, lành mạnh.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.
Tác giả: Vu Huong
Tags:
Vu Huong
Tác giả
Vu Huong
Mạng xã hội