COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến chức năng thận nghiêm trọng!
Theo kết quả một số nghiên cứu và thực tế, tồn tại nguy cơ COVID-19 ảnh hưởng đến thận. Người bị COVID-19 ảnh hưởng đến thận như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về cách điều trị cũng như phòng ngừa.
Tóm tắt nội dung
COVID-19 ảnh hưởng đến thận như thế nào?
Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Cell Stem Cell hôm 30/12 phát hiện rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào và gây tổn thương nghiêm trọng cho thận của người bệnh.
Nghiên cứu cho biết: ‘Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào thận và có liên quan đến việc gia tăng xơ hóa mô kẽ ống thận trong các mẫu khám nghiệm tử thi của bệnh nhân’. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh họ đã chứng kiến nhiều bệnh nhân bị suy thận trong và sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, trước đây, các chuyên gia chưa thể kết luận được rằng tác dụng phụ này liệu có phải là biến chứng trực tiếp do COVID-19 gây ra hay không.
Bệnh xơ hóa thận hình thành từ các mô sẹo trong cơ quan này và có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Sau khi tiến hành các nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định kết quả đã chứng minh rằng COVID-19 có thể “lây nhiễm trực tiếp và gây ra tổn thương tế bào thận với quá trình xơ hóa sau đó”.
Kết quả của nghiên cứu cũng có thể giải thích hiện tượng nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 bị tổn thương thận và những người mắc COVID-19 kéo dài phát triển bệnh thận mãn tính.
Năm ngoái, Phó Giáo sư Y khoa C. John Sperati của Đại học Johns Hopkins, cũng cảnh báo rằng hiện tại vẫn chưa rõ liệu bệnh nhân COVID-19 bị tổn thương thận có thể hồi phục hoàn toàn hay không. Ông Sperati cho rằng các vấn đề về thận phổ biến ở những bệnh nhân này có thể là do nhiều người trong số những bệnh nhân nhập viện vì virus đã mắc các bệnh nền trước đó, như tiểu đường và huyết áp cao, cả hai đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Người bệnh thận có thể gặp nhiều biến chứng khi mắc Covid-19
Người bị suy thận dễ bị nhiễm trùng, có thể có các thay đổi nhiều hơn trong biểu hiện lâm sàng. Hơn nữa, khi mắc COVID-19, người bệnh vẫn phải đến bệnh viện để lọc máu thường xuyên, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Hiện các nghiên cứu cho thấy chưa có bằng chứng của việc mắc COVID-19 gây ảnh hưởng xấu tới thận ở người mắc bệnh nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh thể nặng cần nhập viện, bất thường ở thận đã ghi nhận ở 25- 50% đối tượng với biểu hiện là tăng bài tiết protein và hồng cầu trong nước tiểu. Dưới 15% bệnh nhân bị suy giảm chức năng lọc của thận – tổn thương thận cấp.
Nhiễm virus SARS-CoV-2 là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với những người mắc bệnh thận mạn tính, đặc biệt là người đang lọc máu và ghép thận. Người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng, hoặc ghép thận có sức đề kháng kém và khả năng miễn dịch yếu. Hơn nữa, người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ thường lớn tuổi (trên 60 tuổi), có nhiều bệnh nền như tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, bệnh gan,… nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, và khi mắc bệnh thì dễ xảy ra biến chứng nặng. Do vậy, người được ghép thận nên thực hiện các biện pháp khuyến cáo để ngăn ngừa nhiễm trùng và tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ định của bác sĩ.
Khuyến nghị của bác sĩ cho người mắc bệnh thận
Trước tình trạng COVID-19 ảnh hưởng đến thận, các chuyên gia cho rằng các loại thuốc kháng virus mới được phát triển có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Do đó, lời khuyên tốt nhất là mỗi người cần chủ động phòng tránh nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số nguyên tắc người bệnh cần nhớ:
- Bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ cần phải nâng cao cảnh giác, tinh thần phòng chống dịch. Đặc biệt lưu ý tới việc ăn uống, vệ sinh, bổ sung vitamin, vận động thể chất phù hợp để có thể nâng cao sức đề kháng;
- Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và bác sĩ về giữ gìn vệ sinh tay, đường hô hấp, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế trung thực,… Khi có triệu chứng ho, sốt hoặc các vấn đề sức khỏe khác, người bệnh nên liên hệ với đơn vị lọc máu trước khi đến bệnh viện;
- Trong phòng lọc máu thường sử dụng máy điều hòa, không gian phòng kín, ít lưu thông không khí nên người bệnh cần chú ý đảm bảo vệ sinh, thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Di chuyển tới bệnh viện để lọc máu nên dùng xe riêng của gia đình, cửa xe mở thông thoáng. Nên chủ động tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác khi ở nhà và khi lọc máu tại bệnh viện;
- Người bệnh nên đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, đặc biệt là khi lọc máu, di chuyển và tiếp xúc với người khác. Nên chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống để được hướng dẫn, giúp đỡ. Bệnh nhân bị sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể hoặc giảm khứu giác nên báo ngay cho bác sĩ;
- Không nói chuyện, ăn uống trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi, bệnh nhân nên che miệng, khạc đờm thì dùng khăn giấy lau miệng, cho vào túi nilon và bỏ vào thùng rác y tế, vệ sinh tay cẩn thận;
- Khi lọc máu xong nên về nhà ngay, tắm nước ấm, thay quần áo mới. Nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lọc máu, tránh ăn trái cây giàu kali, tránh uống nước quá nhiều,… Đồng thời, bệnh nhân nên vệ sinh phòng ở sạch sẽ và thông thoáng, mở cửa sổ, dùng quạt trong mùa nóng, hạn chế dùng điều hòa, rửa tay thường xuyên;
- Bệnh nhân nên liên lạc, báo cáo sức khỏe với bác sĩ thường xuyên để được tư vấn sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng.