Sỏi thận là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Sỏi thận là một bệnh khá phổ biến, nó xảy ra với khoảng 12% nam giới, với nữ giới là 5%. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Vì vậy việc nắm rõ bệnh, nguyên nhân và cách phòng ngừa là hết sức quan trọng. Hãy tìm hiểu ở bài viết dưới đây!
Tóm tắt nội dung
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là một tinh thể cứng, rắn được hình thành do khoáng chất hay muối lắng đọng trong thận, bàng quang, niệu quản.
Sỏi được hình thành khi nước tiểu trở nên cô đặc, tạo điều kiện cho các khoáng chất kết tinh lại với nhau.
Hầu hết sỏi đều nhỏ và được thải ra ngoài khi đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, một số khác lại khá lớn, khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang,..làm ngăn dòng chảy bình thường của nước tiểu, gây cọ xát dẫn tới tổn thương thận để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị sỏi thận. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới WHO, sỏi thận ảnh hưởng đến 12% nam giới và ở nữ giới là 5%.
Sỏi được tạo thành từ nhiều khoáng chất khác nhau. Chất tạo sỏi thường gặp nhất là canxi. Ngoài ra, còn có sỏi phosphat, sỏi acid uric và sỏi cystine.
Triệu chứng bệnh sỏi thận
Khi bị sỏi thận, người bệnh sẽ không gặp triệu chứng của bệnh cho đến khi nó di chuyển trong thận hoặc đi vào niệu quản và bàng quang. Nếu sỏi mắc kẹt ở niệu quản sẽ chặn dòng chảy của nước tiểu và làm cho thận sưng lên, niệu quản co thắt và gây ra các cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội cụ thể:
- Đau dữ dội, đau nhói ở một bên và lưng, dưới xương sườn
- Đau lan xuống bụng dưới và háng
- Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sẽ gặp những triệu chứng khi bị sỏi thận như:
Tiểu ra máu
Tiểu ra máu là một trong những triệu chứng hay gặp ở người bệnh sỏi thận. Khi kích thước sỏi lớn sẽ gây cọ xát khi di chuyển trong thận, bàng quang, niệu quản. Tuy nhiên, tùy vào tổn thương mà có thể phát hiện được bằng mắt thường hoặc phải quan sát khi dùng kính hiển vi.
Tiểu dắt, tiểu són
Khi sỏi mắc ở niệu quản hay bàng quang, người bệnh sỏi thận sẽ thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu tuy nhiên lượng nước tiểu lại rất ít làm ứ nước tiểu tại thận gây ra những cơn đau quặn thận. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh
Buồn nôn
Sốt và ớn lạnh khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Nguyên nhân gây sỏi thận
85% nguyên nhân gây sỏi thận bắt đầu từ sự lắn đọng canxi. Một số nguyên nhân cụ thể được chỉ ra như sau:
- Uống không đủ nước: Khi cơ thể không được bổ sung đủ nước sẽ khiến nước tiểu trở nên cô đặc và tạo điều kiện cho các khoáng chất kết tinh lại với nhau gây sỏi thận.
- Thói quen ăn mặn: Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sỏi thận do ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải tăng đào thải Na+, Ca++ tại ống thận. Từ đó, tăng nguy cơ lắng đọng Calci trong nước tiểu.
- Ăn nhiều đạm: Chế độ ăn nhiều đạm làm tăng pH nước tiểu, làm tăng bài tiết Calci và giảm hấp thu Citrate.
- Tự ý dùng thuốc : Một khảo sát tại Anh cho thấy, việc làm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ dẫn tới sỏi thận. Điển hình là nhóm: Penicillin, Cephalosporin,…
- Thiếu ngủ
- Ngủ là thời gian mô thận tự tái tạo lại tổn thương. Thiếu ngủ làm quá trình này không được thực hiện, làm tăng nguy cơ dẫn tới sỏi thận
- Nhịn tiểu
- Nhịn tiểu làm các khoáng chất bị tích tụ và không được đào thải ra ngoài. Khi lượng khoáng chất tích tụ đủ lớn sẽ hình thành sỏi thận.
- Di truyền
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng di truyền là một nguyên nhân gây ra sỏi thận.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây mủ, lắng đọng chất bài tiết lâu ngày cũng dẫn đến nguy cơ mắc sỏi thận ở nhiều người.
Điều trị sỏi thận bằng cách nào ?
Bệnh sỏi thận sẽ được điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và kích thước sỏi. Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị sỏi thận đó là: Điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Đối với những sỏi có kích thước nhỏ, bệnh nhân sẽ không cần điều trị xâm lấn mà có một số phương pháp như sau:
- Uống nhiều nước
Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày sẽ giúp đào thải được những sỏi có kích thước nhỏ ra ngoài bằng đường tiểu thông thường. Ngoài ra, nó còn giúp nước tiểu trong và ngăn ngừa sỏi thận.
- Dùng thuốc giảm đau
Để giảm đau nhẹ, bác sĩ thường sử dụng những loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) như: Ibuprofen, diclofenac hoặc naproxen sodium.
- Thuốc giãn cơ
Ngoài thuốc giảm đau, bác sĩ còn sử dụng các loại thuốc giãn cơ để giúp sỏi được đào thải nhanh hơn. Các loại thuốc giãn cơ hay dùng như: Thuốc chẹn alpha Buscopan, Drotaverin,…
- Thuốc kháng sinh
Đối với trường hợp người bệnh sỏi thận có dấu hiệu nhiễm trùng, các loại kháng sinh được dùng đó là: Cephalosporin thế hệ 3, quinolone và các aminoside.
Điều trị ngoại khoa
Khi kích thước sỏi quá lớn, không thể tự đào thải ra ngoài gây chảy máu, tổn thương thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh nhân sỏi thận có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp xâm lấn để loại bỏ sỏi ra ngoài như: Dùng ống nội soi bán cứng và tia laser, nội soi ống mềm, tán sỏi qua da, phẫu thuật mở.
Phòng ngừa bệnh
Để hạn chế nguy cơ mắc sỏi thận, người bệnh nên thay đổi thói quen sống như:
- Uống đủ nước: Duy trì thói quen uống 2-3 lít nước mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ các chất cặn bã có trong nước tiểu, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Hạn chế thức ăn giàu oxalat: Việc sử dụng các thức ăn có chứa nhiều oxalat sẽ tăng nguy cơ lắng đọng canxi hơn. Các loại thực phẩm giàu oxalat là: Củ cải đường, đậu bắp, rau bina, khoai lang, sô cô la, các loại hạt, trà và các sản phẩm từ đậu nành.
- Chế độ ăn ít muối và đạm động vật: Như đã nói ở phần nguyên nhân, ăn nhiều muối và đạm sẽ tăng bài tiết Ca++. Vì thế việc hạn chế sử dụng các thực phẩm trên sẽ giảm nguy cơ mắc sỏi thận.