Tùy tiện dùng thuốc “bổ não”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu

Tùy tiện dùng thuốc “bổ não”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu

Thuốc bổ trợ hoạt động não bộ thường dùng

 Cinnarizine: Là thuốc điều trị rối loạn tiền đình, giúp tăng cường lượng oxy ở não, giảm hoạt tính co mạch để làm tăng cường vận chuyển máu bổ sung cho hoạt động của não bộ. Thuốc cũng hay được dùng cho người bị say tàu xe.

Khi sử dụng các loại thuốc cinnarizine bạn sẽ gặp một số tác dụng phụ như đau nhức vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa… Nếu gặp các triệu chứng này bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục tác dụng phụ này. Không nên sử dụng thuốc cho người cao tuổi trong thời gian dài. Khi sử dụng cần lưu ý liều lượng và thời gian dùng thuốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

– Cerebrolysin: Có tác dụng điều hòa chức năng của các tế bào thần kinh, giúp cho việc vận chuyển máu bổ sung cho não diễn ra bình thường không bị trì trệ, tăng cường tập trung trí nhớ cho những người hay quên hoặc thiếu tập trung khi học tập, làm việc. Cerebrolysin là thuốc được dùng cho những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, rối loạn trí nhớ, rối loạn tập trung, sa sút trí tuệ do thoái hóa hoặc bệnh mạch máu hoặc phối hợp, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Thuốc thường dùng dạng tiêm và phải có chỉ định của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng để tránh tai biến không mong muốn.

– Citicoline: Thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, là một trong những thành phần được sử dụng trong nhiều loại thuốc dành cho não bộ với khả năng chống tổn thương não, tăng cường chức năng dẫn truyền thần kinh của não bộ nên giúp tăng cường trí nhớ, kích sinh tổng hợp phospholipid trên màng tế bào thần kinh. Thuốc được bào chế với khá nhiều dạng như dung dịch tiêm hoặc uống, viên nén, viên nang mềm…

– Ngoài ra, còn có các thuốc như piracetam, ginkgo biloba, blueberry (quả việt quất), các vitamin nhóm B như B1, B2, B6, B5, B12… cũng đều là các nhóm thuốc có tác động đến não bộ và hệ thần kinh. 

Không tùy tiện dùng thuốc “bổ não” để tránh những hậu quả do thuốc gây ra.

Hệ lụy do tự ý sử dụng, lạm dụng thuốc “bổ não”

Hiện nay nhiều người cứ hơi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… là vội tìm đến ngay các loại thuốc “bổ não”, “dưỡng não” như các thuốc tăng cường tuần hoàn não, các loại vitamin nhóm B…

Những người cao tuổi trí nhớ bị giảm sút do lão hóa con cháu cũng thường mua biếu các cụ loại thuốc này với hy vọng giúp các cụ giảm được suy giảm trí nhớ, lú lẫn tuổi già… Nhiều cụ còn tự tiêm thuốc “bổ não” định kỳ và coi đó như “phao cứu sinh” cho mình giữ được đầu óc minh mẫn khi tuổi đã cao…

Các đối tượng là các cháu sinh viên, học sinh cuối cấp, học hành, thi cử căng thẳng cũng được cha mẹ mua cho sử dụng các loại thuốc “bổ não”, “dưỡng não” mà không biết đến những hệ lụy của nó nếu dùng không đúng.

Việc sử dụng thuốc bổ não tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: Đau vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa; mệt mỏi, nôn, tiêu chảy; cảm giác bồn chồn, dễ bị kích động; nhức đầu, mất ngủ, ngủ gà gật…

Đối với những người có tiền sử mắc một số bệnh lý như bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn đường ruột, rối loạn thần kinh và các bệnh lý về da… càng phải thận trọng khi dùng loại thuốc này. Một số loại thuốc sẽ khiến cho nồng độ insulin bất ổn ảnh hưởng đến việc điều trị đái tháo đường, tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng chung với những thuốc giúp chống đông máu hay một số thuốc kháng sinh.

Một số loại thuốc tốt cho não nhưng không nên dùng cho những người thường xuyên phải điều khiển các phương tiện giao thông vì ngay sau khi uống xong sẽ gây ra cảm giác buồn ngủ không cưỡng được, run tay, tăng phản xạ, rối loạn vận động… Các tác dụng phụ này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và cuộc sống nếu phải thường xuyên sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Các loại thuốc “bổ não” với chức năng giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng tập trung lại có thể gây hiện tượng co giật đối với những bệnh nhân nhạy cảm hay dị ứng với thành phần của thuốc. Bệnh nhân có bệnh lý thần kinh cũng không được tự ý sử dụng nhóm thuốc này.

Do thuốc bổ não cũng có tác dụng phụ và chống chỉ định, vì vậy không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này, nhất là trong thời gian dài. Khi sử dụng cần có sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc của các bác sĩ chuyên khoa.

 

Tác giả: Nguyen Trang
Tags:
Nguyen Trang
Tác giả
Nguyen Trang
Mạng xã hội