Tác dụng chữa bệnh của Khúng khéng
Từ xa xưa người ta đã dùng quả Khúng Khéng để chống nôn, giải độc, ngộ độc rượu, tiểu tiện không thông, khát nước, khô cổ, bảo vệ lá gan, tăng cường thể lực, chống mệt mỏi. Tuy nhiên không nhiều người biết đến các tác dụng của Khúng khéng, cùng Pharmatree tìm hiểu dưới bài viết sau đây:
Tóm tắt nội dung
1. Mô tả sơ lược về Khúng khéng
Cây to, cao khoảng 7-10 m. Vỏ thân màu nâu xám. Cành non màu nâu hồng, có lông nhỏ và nốt sần. Lá mọc so le, có cuống dài, gốc tròn, đầu có mũi nhọn, mép khía răng nhọn đều, 3 gân tỏa từ gốc lá, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành xim ngắn hơn lá; hoa màu lục nhạt, đài hình chén khía 5 răng nhỏ; tràng 5 cánh nhọn, nhị 5 xếp xen kẽ với cánh hoa; bầu có đầu nhụy chia ba.
Quả hình cầu, màu nâu xám, khi chín những nhánh con (cuống) mang quả phồng to lên, mọng nước, màu hồng, vị ngọt, ăn được, hạt tròn dẹt, màu nâu bóng.
Mùa hoa: tháng 6 – 8, mùa quả : tháng 9 – 11.
Bộ phận dùng:
Quả và nhánh con mang quả, thu hái khi quả chín, phơi khô. Tránh phơi nắng to và sấy ở nhiệt độ cao để bảo đảm màu sắc và phẩm chất dược liệu. Hạt thu hái ở quả già, phơi khô.
Tính vị, công năng:
Khúng khéng có vị ngọt, hơi chát, có tác dụng tiêu khát, nhuận tràng, lợi tiểu, giải độc.
Công dụng:
Khúng khéng là thuốc bổ dưỡng, trị tiêu hóa và đại tiểu tiện kém, nôn mửa, ngộ độc, miệng khô khát.
Khi dùng lấy 100g dược liệu ngâm với một lít rượu 40 độ càng lâu càng tốt. Rượu có màu đỏ sẫm như rượu vang. Ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần 30ml.
Ở Trung Quốc, cuống quả khô và hạt được dùng trị say rượu, miệng khát, nôn mửa, đại tiểu tiện không lợi. Ngày dùng 6g, ngâm rượu uống.
Ở Ấn Độ, cao chiết từ quả khúng khéng chứa kali nitrat và kali malat là thuốc có tác dụng lợi tiểu mạnh.
2. Minh chứng – Nghiên cứu khoa học của cây Khúng khéng
a) Tác dụng bảo vệ gan
Cắn chiết ethanol, methanol và nước của loài Hovenia dulcis đều đã được được chứng minh có tác dụng bảo vệ gan trên động vật thí nghiệm trước các tác nhân gây độc như carbon tetrachloride, D-galactosamine/lipopolysaccharide và rượu trong các mô hình gây độc gan cấp hoặc mạn . Trong đó thành phần mang lại hoạt tính được cho là dihydromyricetin (ampelopsin), một hợp chất có nhiều trong dược liệu khúng khéng. Tuy nhiên, các flavonoid khác, các triterpenoid saponin cũng đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ gan.
Năm 2006, một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Y Bắc Kinh cho thấy dịch chiết nước của loài Hovenia dulcis có khả năng làm giảm nồng độ cồn trong máu và tăng cường hoạt tính của enzym ADH sau khi uống rượu. Như vậy, Hovenia dulcis có khả năng ngăn cản sự hấp thu rượu ở đường tiêu hóa, tăng chuyển hóa rượu tại gan, phòng chống say rượu và các tác hại do rượu gây ra
Năm 2007, một nghiên cứu khác được thực hiện trên chuột để đánh giá tác dụng của dịch chiết phân đoạn ethyl acetat của hạt loài Hovenia dulcis lên hệ thống các enzym chuyển hóa ở gan Cyt P450. Kết quả là phân đoạn dịch chiết này có ảnh hưởng khác nhau lên một số enzym hệ Cyt P450 cụ thể là: hoạt động của enzym khử NADPH-cyt C và erythromycin N-demethylase không bị ảnh hưởng, hoạt động của aminopyrine N-demethylase trong gan đã tăng lên đến 42,4%. Các biểu hiện mARN của CYP1A1, CYP2C11 và CYP3A1 đều tăng lên rõ rệt
Năm 2010, nghiên cứu của Du J và các cộng sự cho thấy, dịch chiết từ hạt của loài Hovenia dulcis có tác dụng bảo vệ gan thông qua việc làm giảm đáng kể hoạt độ men AST và ALT, tăng cường hoạt tính của các enzym chống oxy hóa như: superoxide dismutase glutathione S – transferase, glutathione tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa rượu.
Ngoài các nghiên cứu kể trên, tác dụng bảo vệ gan của dịch chiết nước và giấm lên men từ Hovenia dulcis chống lại những thay đổi sinh hóa ở chuột đực do ethanol gây ra cũng đã được nghiên cứu. Khi cho chuột uống ethanol (50%, v/v, 10 ml/kg) trong 6 tuần, các enzym gan như AST, ALT, γ-GT trong huyết thanh và mức độ peroxid hóa lipid của gan của chuột tăng đáng kể (p < 0,01). Ngược lại, khi sử dụng dịch chiết nước hoặc giấm lên men từ khúng khéng (10 ml/kg) cùng với ethanol cho thấy sự giảm đáng kể (p < 0,05) các enzym (AST, ALT và γ-GT), các chỉ số gan, nồng độ triglycerid và cholesterol trong huyết thanh. Kết quả trên cho thấy, dịch chiết nước và dấm lên men từ Hovenia dulcis có tác dụng tốt trong việc làm giảm các tác hại của rượu
Năm 2012, nhóm nghiên cứu của Minchun Wang đã chứng minh tác dụng bảo vệ gan (do ngộ độc rượu cấp tính) của các thành phần polysaccharid bao gồm galactose, arabinose, rhamnose và acid galacturonic trong cuống quả Hovenia dulcis.
Dịch chiết Hovenia dulcis làm giảm đáng kể nồng độ AST, ALT trong huyết thanh, giảm đáng kể mức độ của MDA trong gan và phục hồi đáng kể các hoạt động của các enzym superoxide dismutase và glutathione peroxidase ở chuột bị tổn thương gan do rượu
Gần đây, tác dụng bảo vệ gan của hợp chất myricetin phân lập từ loài Hovenia dulcis Thunb. Trên chuột sử dụng nước chứa 3% choline đã được các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Shaanxi Normal (Trung Quốc) công bố. Myricetin đã được chứng minh là có tác dụng dọn dẹp các gốc tự do DPPH˙, HO–, và O2˙. Sử dụng liên tục myricetin liều 400 mg/kg và 800 mg/kg ở chuột uống choline có thể làm giảm đáng kể cholesterol trong huyết thanh, triglyceride, lipoprotein tỷ trọng thấp, endothelin, thromboxan A2 cũng như ALT và AST (p < 0,05). Đồng thời, sử dụng myricetin ở liều 400 mg/kg và 800 mg/kg cũng làm giảm MDA gan. Báo cáo này cho thấy, hàm lượng choline cao trong chế độ ăn uống có thể gây tổn thương gan và hợp chất myricetin có trong khúng khéng có thể giảm bớt tác hại này
b) Tác dụng chống oxy hóa
Theo một nghiên cứu của Viện Sinh học và Công nghệ Sinh học Hàn Quốc, cắn phân đoạn ethyl acetat thu được từ dịch chiết methanol của loài Hovenia dulcis Thunb. cho thấy khả năng bảo vệ hệ thần kinh khỏi tác nhân gây độc glutamat. Tám hợp chất phenolic (1-8) đã được phân lập trong nghiên cứu này bao gồm: acid vanillic (1), acid ferulic (2), 3,5-dihydroxystilben (3), aromadendrin (4), methyl vanillat (5), catechin (6), acid 2,3,4-trihydrobenzoic (7) và afzelechin (8).
Trong số các hợp chất phân lập được, hai hợp chất (6) và (8) thể hiện tác dụng bảo vệ hệ thần kinh khỏi tác nhân gây độc glutamat, đồng thời nhóm nghiên cứu đã chứng minh được khả năng dọn dẹp gốc tự do của 02 chất này.
Từ các kết quả đó, Lin G. và đồng sự cho rằng catechin và afzelechin có khả năng trở thành các chất bảo vệ thần kinh nhờ tác dụng dọn dẹp gốc tự do của chúng
c) Tác dụng tăng cường hoạt động thể chất, chống mệt mỏi
Khi tiến hành nghiên cứu tác dụng tăng cường sinh lực, nhóm chuột được uống dịch chiết nước từ cuống quả của loài Hovenia dulcis Thunb. có thời gian bơi tăng so với nhóm chuột đối chứng (p<0,05). Nồng độ của acid thiobarbituric trong cẳng chân chuột được uống dịch chiết nước của Hovenia dulcis (ở hai liều 100 mg/kg và 200 mg/kg) giảm đáng kể so với nhóm chuột đối chứng. Nghiên cứu này cũng cho thấy, loài Hovenia dulcis có khả năng làm tăng đáng kể các tác nhân chống oxy hóa trong gan như superoxide dismutase.
Ngoài ra, Hovenia dulcis còn có khả năng làm giảm đáng kể lượng glucose máu, cholesterol toàn phần và triglyceride. Những kết quả trên cho thấy, Hovenia dulcis là dược liệu có tác dụng chống mệt mỏi, tăng cường hoạt động thể chất và chống oxy hóa.
d) Tác dụng tăng cường miễn dịch
Theo một nghiên cứu invitro đánh giá khả năng tăng cường miễn dịch, các polysaccharid trong cuống quả loài Hovenia dulcis bao gồm rhamnose, arabinose, galactose và acid galacturonic có khả năng làm tăng cường đáng kể hoạt động thực bào, sản xuất oxit nitric và hoạt động acid phosphatase của các đại thực bào phúc mạc.
Có thể xem, Hovenia dulcis là nguồn nguyên liệu tiềm năng giúp điều hòa miễn dịch
e) Tác dụng hạ đường huyết
Theo một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Dược liệu Trung Quốc năm 2002 cho thấy, dịch chiết của loài Hovenia dulcis có tác dụng hạ đường huyết khi sử dụng mô hình gây tiểu đường bởi alloxan. Glibenclamide được sử dụng làm thuốc đối chứng dương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ đường trong máu của nhóm chuột được uống dịch chiết từ loài Hovenia dulcis và glibenclamide thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng sinh học. Nồng độ glycogen gan ở nhóm chuột được uống dịch chiết Hovenia dulcis và glibenclamide được tăng lên đáng kể
g) Tác dụng chống dị ứng
Bốn hợp chất saponin bao gồm hovenidulcioside A1, A2, B1, B2 được phân lập từ quả và hạt của loài Hovenia dulcis thu hái tại Trung Quốc đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự giải phóng histamin từ tế bào màng bụng của chuột .