Hậu COVID-19, sức khỏe trí não có thể bị suy giảm nghiêm trọng như thế nào?
Hậu COVID-19, sức khỏe trí não có thể bị suy giảm giống như mất 20 năm tuổi thọ.
COVID-19 không chỉ gây ra các vấn đề sức khỏe tức thời mà còn khiến một số người xuất hiện các triệu chứng như hụt hơi, sương mù não, mất ngủ, rụng tóc, rối loạn nội tiết tố sau khi đã được chữa khỏi. Các biểu hiện này được khoa học gọi là di chứng COVID-19 kéo dài.
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí eClinicalMedicine, các nhà khoa học Anh cho biết tùy vào mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19, mỗi người sẽ có mức độ ảnh hưởng “hậu COVID-19” khác nhau. Nhưng ở những trường hợp nghiêm trọng, hoạt động của trí não có thể bị ảnh hưởng tương tự như đã lão hóa thêm 20 năm.
Những trường hợp này thường bị ảnh hưởng nặng tới mức phải nhập viện điều trị.
Không ít nghiên cứu khoa học trong 3 năm qua đã khẳng định điều đó. Những người mắc COVID-19, không giới hạn độ tuổi, giới tính và mức độ nặng nhẹ đều báo cáo rằng họ trải qua các triệu chứng khác nhau trong vài tuần hoặc vài tháng sau lần nhiễm bệnh ban đầu, chẳng hạn như: “sương mù não”, mất tập trung, khó suy nghĩ, đau đầu và mất khứu giác hoặc vị giác.
Gần đây nhất, các nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí Nature về phát hiện ra “các kiểu co rút não khác biệt” ở hàng trăm người đã mắc COVID-19. Chứng teo não bất thường đó có thể góp phần vào sự suy giảm nhận thức của những người này.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh thu nhỏ các trường hợp COVID-19, tập trung vào đánh giá những bệnh nhân từ 28 đến 83 tuổi gặp triệu chứng “hậu COVID-19” nghiêm trọng tới mức phải nhập viện. Họ đánh giá khả năng nhận thức của nhóm bệnh nhân này qua các bài kiểm tra trong khoảng từ 6 đến 10 tháng, sau đó so sánh kết quả với những người khỏe mạnh chưa từng mắc COVID-19.
So với nhóm chưa từng mắc COVID-19, nhóm bệnh nhân này giảm rõ rệt về kết quả kiểm tra và mất nhiều thời gian để suy nghĩ và xử lý bài kiểm tra hơn.
Các nhà khoa học đánh giá rằng trung bình mức độ suy giảm nhận thức giữa nhóm không mắc và bệnh nhân COVID-19 “tương tự như mức độ suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi bình thường giữa những người ở độ tuổi 50 khi so sánh với những người ở độ tuổi 70”.
Mức độ suy giảm hoạt động não nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng khi họ mắc COVID-19. Có nghĩa những bệnh nhân phải dùng tới máy thở và các thiết bị hỗ trợ đa chức năng khi còn điều trị COVID-19 thì sự suy giảm trí não sau khi khỏi bệnh càng nặng hơn.
Giáo sư David Menon, tại Đại học Cambridge, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng có sự ảnh hưởng của di chứng hậu COVID-19 đến trí não và bất kỳ sự phục hồi nhận thức nào của bệnh nhân đã mắc COVID-19 đều có khả năng bị chậm lại.
Điều quan trọng là phải xem xét rằng quỹ đạo phục hồi nhận thức có thể khác nhau giữa các cá nhân hay không và nó có tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh tật hoặc nền tảng thần kinh, tâm lý, bệnh nền hay không. Điều này có thể rất phức tạp”.
Những câu hỏi mở này sẽ được giải quyết trong các nghiên cứu trong tương lai.
Mặc dù nghiên cứu này có phần hạn chế ở chỗ chỉ tiến hành phân tích dữ liệu ở hơn 50 bệnh nhân, nhưng kết quả vẫn góp phần khẳng định thêm rằng việc mắc COVID-19 sẽ để lại tác động lâu dài đến não.
Các nhà khoa học hy vọng những nghiên cứu như vậy sẽ cho phép họ hiểu cơ chế đằng sau sự suy giảm nhận thức để tìm ra phương pháp ngăn ngừa hoặc điều trị cho các bệnh nhân đã mắc COVID-19.