Top 5 Bệnh giao mùa hay gặp ở Trẻ

Bệnh giao mùa ở trẻ luôn gây ra nhiều vấn đề rắc rối. Thời tiết giao mùa thu đông tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh mẽ và lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và gặp biến chứng nặng. Vậy làm thế nào để phòng ngừa và nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh giao mùa thu đông cho trẻ để điều trị kịp thời?

Bệnh giao mùa là gì?

Thời tiết, khí hậu vào thời điểm giao mùa thay đổi thất thường lúc nắng, lúc mưa là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển. Trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non yếu, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đó, cộng thêm sự xâm nhập và tấn công của “tổ hợp” tác nhân gây bệnh khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dự đoán đến cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh mùa đông diễn biến phức tạp, nhất là trẻ em – hệ miễn dịch còn non yếu là đối tượng nguy cơ bị mầm bệnh tấn công. Do đó, khuyến cáo bố mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản về dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị hiệu quả và cách phòng tránh  bệnh mùa đông thường gặp ở trẻ, phòng ngừa các bệnh tật gây nguy hiểm cho trẻ.

Bệnh giao mùa hay gặp ở trẻ?

Bệnh Sốt Xuất Huyết

Theo Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 65.046 ca sốt xuất huyết tại 58 tỉnh thành, đã có 7 trường hợp tử vong. Tại TP.HCM, mỗi tuần có khoảng 500-600 người bệnh nhập viện vì sốt xuất huyết, đặc biệt tăng dần vào những thời điểm giao mùa.

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng rmnhẹ của sốt xuất huyết gồm sốt cao kéo dài, có thể cao tới 40 độ C, đau đầu dữ dội, nổi mẩn, phát ban. Khi bệnh tiến triển nặng, trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, nôn hoặc ói ra máu… nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
  • Phương pháp điều trị: PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Bệnh được xếp vào nhóm bệnh giao mùa nguy hiểm, có thể tiến triển nhanh và bùng phát thành dịch, do đó khuyến cáo bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời ngay khi có các triệu chứng bệnh kể trên.
  • Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và bọ quậy, loại bỏ nơi sinh sản của chúng; phòng chống muỗi đốt trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo dài, nằm ngủ mùng kể cả ban ngày, bôi kem xua muỗi cũng như các biện pháp khác được chỉ đạo bởi chính quyền địa phương.

Bệnh tay chân miệng

Năm nay, bệnh tay – chân – miệng có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ khắp các địa phương trên cả nước. Theo Hệ thống Báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 63 tỉnh thành ghi nhận dịch bệnh tay – chân – miệng với 10.745 người mắc bệnh, trong đó 6.662 trường hợp phải nhập viện để điều trị, rất may chưa có trường hợp nào tử vong.

  • Dấu hiệu nhận biết: Trẻ em mắc bệnh có thể có những nốt phỏng nước trên da, loét niêm mạc miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng như khó thở, nôn trớ, co giật và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi… trường hợp xấu có thể gây tử vong.
  • Phương pháp điều trị: PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay – chân – miệng. Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm ở trẻ, do đó khi có dấu hiệu bệnh, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, các biện pháp phòng ngừa gồm hạn chế tiếp xúc với người bệnh, rửa tay bằng xà phòng và theo dõi các triệu chứng bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Viêm da dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch non yếu, làn da trẻ mỏng manh dễ bị tác động. Thống kê số trường hợp viêm da dị ứng tại Việt Nam, có khoảng 30% trẻ mắc bệnh này. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa thu đông, có thể chấm dứt khi trẻ 5 tuổi nhưng số ít trường hợp kéo dài đến khi trưởng thành. 

  • Dấu hiệu nhận biết: Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, có thể chảy dịch, phù nề,… Một số trẻ có thể ho, sốt, chán ăn và sụt cân.
  • Phương pháp điều trị: Bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách, hiệu quả.
  • Cách phòng ngừa: Phòng ngừa viêm da dị ứng ở trẻ bằng cách vệ sinh nhà cửa, chăn gối, đồ chơi của trẻ sạch sẽ, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng; dưỡng ẩm cho trẻ, che chắn cẩn thận cho trẻ khi ra ngoài; bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho trẻ…

Bệnh cảm cúm

Theo thống kê của Bộ Y Tế, mỗi năm Việt Nam có trên 800.000 người mắc cúm, số trường hợp mắc bệnh tăng cao vào thời điểm giao mùa. Trong vòng 11 tháng đầu năm 2019, Việt Nam ghi nhận hơn 400.000 trường hợp mắc cúm, 10 người tử vong vì căn bệnh này. Đầu năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đã có trường hợp tử vong đầu tiên của bệnh nhi 10 tuổi, chẩn đoán ban đầu do bệnh cúm. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương nhấn mạnh, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh cúm có thể tiến triển xấu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng bệnh cúm rất dễ nhầm lẫn với dấu hiệu cảm lạnh thông thường nên nhiều bố mẹ bỏ qua dấu hiệu ban đầu. Sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với virus gây bệnh cúm, trẻ có thể bị sốt, ớn lạnh, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi. Một số trẻ gặp các triệu chứng khác như đau tai, đau họng, nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
  • Phương pháp điều trị: Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ kết hợp cho trẻ nghỉ ngơi, uống bù nước và bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng. 
  • Cách phòng ngừa: Thiết lập thói quen rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện… Thêm vào đó, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương nhấn mạnh: “Tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm được xem là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ông bà, bố mẹ, người lớn trong gia đình cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh để tránh lây bệnh cho trẻ, đặc biệt là trẻ chưa tới độ tuổi tiêm ngừa. ”

Bệnh nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng hô hấp là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì nhiễm trùng hô hấp, chủ yếu là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. WHO và Unicef đã phát động chương trình phòng chống bệnh nhiễm trùng hô hấp với mục tiêu cụ thể: Giảm tỷ lệ tử vong bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm tỷ lệ kháng kháng sinh.

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng nhiễm trùng hô hấp ở trẻ rất đa dạng, trẻ có thể sốt cao, ho, nhịp thở nhanh, tiếng thở rít, tím tái quanh môi, bỏ bú hoặc bỏ ăn… Một số trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như nôn, chướng bụng, đi phân lỏng, khó thở, quấy khóc…
  • Phương pháp điều trị: Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm giảm thiểu các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để được theo dõi và xử trí kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Các biện pháp phòng ngừa bệnh bao gồm vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh trẻ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt tiêm ngừa vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo giúp trẻ phòng tránh được nhiễm trùng hô hấp cùng các bệnh giao mùa khác.

Bệnh viêm phổi

  • Mặc dù y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm, nước ta có khoảng 2,9 triệu trẻ em mắc bệnh viêm phổi, khoảng 4.000 trẻ tử vong. Việt Nam được xếp vào 1 trong 15 quốc gia có số lượng trẻ em mắc bệnh và tử vong do viêm phổi nhiều nhất trên thế giới.
  • Dấu hiệu nhận biết: Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở trẻ bị viêm phổi, tiếp đó là các dấu hiệu như sốt, ho, nghẹt mũi, đau bụng, đau tức ngực, nôn ói…
  • Phương pháp điều trị: PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, những trường hợp trẻ có triệu chứng nhẹ, trẻ cần được đi khám để đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ có thể hướng dẫn bố mẹ theo dõi, chăm sóc, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi bé xuất hiện các triệu chứng thở nhanh, mệt, sốt cao không đáp ứng thuốc điều trị, ăn uống kém, bỏ ăn… bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay để được can thiệp kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, đúng lịch; đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ, tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa.

 

Tác giả: Nguyen Trang
Tags:
Nguyen Trang
Tác giả
Nguyen Trang
Mạng xã hội