Tác dụng của cát cánh theo y học cổ truyền

 

 Cát cánh, tên khác cát ngạnh, khổ ngạnh… vị thuốc là rễ cây cát cánh có công dụng trị hầu họng sưng đau, khàn tiếng, ho nhiều đờm.

Mô tả dược liệu

Tên gọi khác: Tể ni, Bạch dược, Cánh thảo, Lợi như, Phù hổ, Lư như, Phương đồ, Phòng đồ, Khổ ngạch, Mộc tiện, Khổ cánh, Cát tưởng xử, Đô ất la sất.

Tên khoa học: Platycodon Grandiflorum (Jacq.) A. DC

Họ: Thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae)

BỘ PHẬN DÙNG

Rễ củ phơi hoặc sấy khô (Radix Platycodi).

Đặc điểm tự nhiên:

  • Cát cánh là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm. Thân cao chừng 60cm- 90cm.
  • Lá gần như không có cuống; lá phía dưới mọc đối hoặc mọc vòng 3- 4 lá. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to. Lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le, dài từ 3-6cm, rộng 1- 2,5cm.
  • Hoa mọc đơn độc hoặc thành bông thưa. Đài màu xanh, hình chuông rộng, dài 1cm, mép có 5 răng; tràng hoa hình chuông, màu lam tím hay màu trắng, đường kính 3-5cm.
  • Quả hình trứng ngược.
  • Mùa hoa tháng 5-8, mùa quả tháng 7-9.
Cát cánh
Cát cánh

Rễ Cát cánh khô hình gần như hình thoi, hơi cong, dài khoảng 6 – 19 cm, đầu trên thô khoảng 12 – 22 mm, bên ngoài gần như màu trắng, hoặc màu vàng nhạt, có vết nhăn dọc sâu cong thắt, phần lồi ra hơi bóng mượt, phần trên hơi phình to, đầu trước cuống nhỏ dài, dài hơn 32 mm, có đốt và vết mầm không hoàn chỉnh, thùy phân nhánh ở định, có vết thân, dễ bẻ gãy, mặt cắt gần màu trắng hoặc màu vàng trắng. Từ giữa tâm có vân phóng xạ tỏa ra

 Phân bố

Cây Cát cánh là loài duy nhất trong chi Platycodon và được tìm thấy ở khu vực đông bắc châu Á bao gồm các nước như Nhật Bản, Trung Quốc (An Huy, Sơn Đông và Giang Tô), Triều Tiên và Đông Siberi.

Thu hái, chế biến

  • Thu hái: Thường hái lá vào mùa xuân và rễ cây vào giữa tháng 2 – 8. Hái rễ những cây đã sống 4 – 5 năm.
  • Chế biến: Rễ Cát cánh sau khi thu hái xong được rửa, cạo sạch vỏ ngoài và phơi nắng hoặc sấy khô.
Dược liệu cát cánh
Dược liệu cát cánh

Thành phần hóa học

  • Trong rễ cát cánh có chừng 2% kikyosaponin C29H48O11 là một chất saponin vô định hình. Kikyosaponin thêm axit và đun sôi sẽ cho kikyosapogenIn C23H38O5 và một phân tử galactoza. Ngoài ra còn có phytosterola C27H46O và inulin.
  • Sự nghiên cứu mới đây chứng minh trong lá, hoa, và thân, cành cát cánh đều có chứa saponin. Saponin này có tác dụng phá huyết mạnh hơn saponin trong rễ, kikyosapogenin có tác dụng phá huyết mạnh gấp 2 lần sapogenin của viễn chí (Polygala senega).

​​TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

  • Saponin Cát cánh kích thích niêm mạc bao tử gây phản xạ niêm mạc khí quản tiết dịch nên long đàm. Trên thực nghiệm cho chó và mèo đã gây mê uống nước sắc Cát cánh, sự tiết dịch tăng rõ rệt, chứng minh tác dụng long đờm (expectorant) của thuốc.
  • Saponin Cát cánh có tác dụng kháng viêm và an thần, giảm đau giải nhiệt, chống loét bao tử, có tác dụng ức chế miễn dịch.
  • Thuốc có tác dụng hạ đường huyết và hạ lipid huyết, thí nghiệm cho thỏ uống nước sắc Cát cánh, đường huyết của thỏ giảm, đặc biệt gây tiểu đường nhân tạo, tác dụng của thuốc càng rõ rệt. Trên thí nghiệm chuột cho uống thuốc cũng nhận thấy cholesterol của gan hạ thấp.
  • Saponin Cát cánh có tác dụng tán huyết mạnh so với saponin Viễn chí, mạnh gấp 2 lần, nhưng khi dùng đường uống, thuốc bị dịch vị thủy phân không còn tác dụng tán huyết nên thuốc không được dùng chích.
  • Trong ống nghiệm, thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại nấm gây bệnh ngoài da (dermatomycose).

Công dụng của cát cánh

Cát cánh tính hơi ôn, vị ngọt, cay, đắng, lợi về kinh tỳ.

Công dụng: Long đờm, lợi họng, tiêu mủ. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm, buồn bực khó chịu trong ngực, hầu họng sưng đau, khàn tiếng, phổi sưng thổ đờm, các vết lở loét mưng mủ…

Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, dược liệu hàm chứa các chất có tác dụng long đờm, chống viêm nhiễm.

Liều dùng

Ngày dùng 4 – 20 g, dạng thuốc sắc. Gần đây, Cát cánh còn được dùng làm thuốc chữa mụn nhọt và một số bệnh ngoài da: Cát cánh 6 g, Cam thảo 4 g, Gừng 2 g, Táo ta (quả) 5 g, nước 600 ml, sắc còn 300 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Tác giả: Pham Hung
Tags:
Pham Hung
Tác giả
Pham Hung
Mạng xã hội