Dấu hiệu và nguyên nhân khiến gan bị nhiễm độc
Gan nhiễm độc, bị tổn thương, lâu dần sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan…. và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Những bệnh này đòi hỏi phải điều trị trong thời gian dài, làm cho người bệnh phải chịu nhiều tốn kém về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm chất lượng sống và nặng hơn là gây tử vong.
Tóm tắt nội dung
Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm độc
Chức năng chính của gan là giải độc – chống độc, làm sạch độc tố bên trong cơ thể và đào thải ra ngoài qua hệ bài tiết. Chức năng khác là sản xuất dịch mật để tiêu hóa mỡ. Tuy nhiên, khi tế bào gan suy yếu, khả năng giải độc kém, độc tố sẽ tích tụ khiến gan nhiễm độc và gây ra các dấu hiệu, triệu chứng như:
Rối loạn tiêu hóa
Như đã nói, gan sản xuất dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên khi gan nhiễm độc và suy giảm chức năng, dịch mật sẽ không sản xuất đủ dẫn đến rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như: đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu, chán ăn, buồn nôn và nôn, sợ mỡ, táo bón, phân bạc màu…
Thường xuyên nổi mụn nhọt, dị ứng, mề đay
Gan nhiễm độc gây ngứa, nổi mụn, mề đay là triệu chứng thường thấy. Cụ thể, khi chức năng gan suy giảm, khả năng đào chất độc kém làm độc tố tích tụ và sau đó xâm nhập vào da với các triệu chứng bộc phát như nổi những mảng mẩn đỏ hoặc hồng ban lan rộng, cảm giác ngứa râm ran, xuất hiện mụn nhọt. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nóng bức, khói bụi ô nhiễm, cơ thể tiết nhiều mồ hôi là điều kiện của mụn nhọt, mẩn ngứa tái đi tái lại nhiều lần.
Đau tức hạ sườn phải
Khi gan nhiễm độc người bệnh thường có cảm giác căng đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải. Lúc này, gan bị sưng lên khiến vỏ Gibson’s Capsule bao quanh gan (nơi chứa nhiều dây thần kinh) bị kéo căng, gây ra những cơn đau. Ngoài ra, nhiễm độc gan còn gây ra tình trạng rối loạn chức năng túi mật, ấn nhẹ vùng bụng có cảm giác đau tức.
Hơi thở có mùi hôi
Thường xuyên vệ sinh răng miệng nhưng hơi thở vẫn có mùi hôi, rất có thể gan đã bị nhiễm độc. Gan nhiễm độc và bị tổn thương nên ứ đọng các khí dimethyl sulfide, acetone, 2-butanone and 2-pentanone… làm cho hơi thở có mùi hôi khó chịu (Fetor Hepaticus).
Hội chứng giả cúm
Thường xuyên xuất hiện các triệu chứng đau đầu, sốt, đau các cơ, khớp… khiến người bệnh dễ nhầm tưởng là bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, hầu hết các tổn thương gan giai đoạn đầu, trong đó có tình trạng viêm gan siêu vi, gan nhiễm độc đều xảy ra các triệu chứng tương tự như bệnh cảm cúm.
Vàng mắt, vàng da
Gan nhiễm độc trong thời gian dài làm suy gan, khiến lượng sắc tố bilirubin tích tụ trong máu. Chất này có thể ngấm vào các mô như da và mắt làm chúng chuyển sang màu vàng. Cụ thể, bilirubin là các hồng cầu già, bị vỡ và được xử lý tại gan. Tuy nhiên khi gan nhiễm độc, tế bào gan bị tổn thương và hủy hoại làm bilirubin không được thu nhận, đào thải, kết quả bị ứ trong máu và tích tụ tại niêm mạc khiến vùng dưới da và lòng trắng của mắt chuyển màu vàng.
Nguyên nhân gây viêm gan nhiễm độc
Chức năng chính của gan là thải độc. Gan khỏe mạnh sẽ giúp khả năng thải độc tố ra khỏi cơ thể tốt hơn, bảo vệ sức khỏe của bạn. Khi bị viêm gan nhiễm độc – gan sẽ bị tổn thương dẫn đến viêm gan. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm độc ở gan, chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Lạm dụng thuốc
Rất nhiều người lạm dụng thuốc thay vì bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin thông qua chế độ ăn, uống hàng ngày. Sử dụng các loại thuốc giảm cân, thuốc làm đẹp da, thậm chí thuốc chữa bệnh có thể khiến gan bị quá tải “ngộ độc gan” làm suy giảm chức năng gan.
Viêm gan B, C
Khi nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C nếu không được kiểm soát và điều trị hiệu quả nguy cơ biến chứng xơ gan, ung thư gan là rất cao.
Sử dụng các chất kích thích
Gan nhiễm độc ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ, do tình trạng sử dụng các chất kích thích, chất có cồn như rượu, bia ngày một nhiều. Đây là những chất độc hại khiến gan dễ bị viêm, xơ hóa, dẫn tới mất dần chức năng gan. Xơ gan cổ trướng là bệnh lý mạn tính về gan nguy hiểm hay gặp ở những bệnh nhân nghiện rượu, bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
Ăn nhiều chất béo, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
Đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, khó tiêu, thực phẩm bẩn không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn bị nấm mốc,… là những chất độc “âm thầm” tấn công lá gan của bạn, khiến gan bị viêm nhiễm, xơ hóa, sau dần dẫn tới ung thư gan.
Phương pháp phòng ngừa viêm gan nhiễm độc
Trước khi đến với các biện pháp phòng ngừa, bạn cần lưu ý một điều rằng: ngay khi phát hiện những dấu hiệu nghi là nhiễm độc gan. Bạn cần phải đến thăm khám tại các chuyên khoa gan mật uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó vạch ra phương pháp điều trị phù hợp.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp tế bào gan phục hồi và tái sinh nhanh chóng, tăng cường và thúc đẩy phục hồi chức năng gan hiệu quả. Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu Protein và chất xơ để giảm thiểu tình trạng gan nhiễm mỡ. Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu Vitamin A, B1, hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đường và chứa nhiều năng lượng.
Không sử dụng thuốc bừa bãi
Lạm dụng thuốc bừa bãi chính là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng gan nhiễm độc. Do vậy, chỉ nên dùng thuốc khi thực sự cần thiết và phải theo đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định. Nếu bạn phải sử dụng thuốc lâu dài thì bạn có thể dùng thêm các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên để bảo vệ gan.
Duy trì thói quen sống lành mạnh
Rượu bia là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhiễm độc gan, làm suy giảm chức năng gan. Do vậy, cần hạn chế tối đa rượu bia và các chất kích thích khác như caffeine. Uống nhiều nước mỗi ngày hỗ trợ gan thải độc. Thường xuyên tập luyện các bộ môn thể dục thể thao như đi bộ, đạp xe, bơi lội để đảm bảo sức khỏe và thanh lọc lá gan tốt nhất. Chế độ ăn uống khoa học, hạn chế các đồ ăn nhiều giàu mỡ. Khi gặp các vấn đề về gan hay bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan virus,… cần thăm khám và điều trị với bác sĩ gan mật để xử trí kịp thời. Thăm khám sức khỏe định kỳ, sức khỏe lá gan khoảng 6 tháng/1 lần.
Gan đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp khử độc và loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Chính vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ lá gan khỏe mạnh bằng các hành động thiết thực nêu trên.