Hội chứng kém hấp thu và rối loạn tiêu hóa

Hội chứng kém hấp thu và rối loạn tiêu hóa là bệnh về hệ tiêu hóa, có rất nhiều nguyên nhân gây ra 2 vấn đề này và việc điều trị chủ yếu là dựa vào nguyên nhân để tránh các biến chứng không mong muốn.

1. Tìm hiểu về hội chứng kém hấp thu

Khi ăn những thực phẩm lành mạnh, cơ thể sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng và vitamin từ thực phẩm đó. Nhưng với những người bị hội chứng kém hấp thu, cơ thể sẽ không hấp thụ các chất dinh dưỡng này được. Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng kém hấp thu, một số nguyên nhân chính sau đây thường gây nên hội chứng này. Cụ thể:

Nguyên nhân từ niêm mạc: Bệnh Celiac gây hội chứng kém hấp thu ở trẻ sơ sinh nhưng cũng có thể gây ra hội chứng kém hấp thu ở trẻ em lớn hơn; không dung nạp sữa bò; không dung nạp sữa đậu nành; kém hấp thu và không dung nạp Fructose hoặc do bệnh nhiễm trùng như nhiễm khuẩn Giardia, lao ruột, tiêu chảy, nhiễm một số loại ký sinh trùng; suy giảm hệ thống miễn dịch hay giãn mạch bạch huyết đường ruột và các nguyên nhân khác của chứng tắc nghẽn bạch huyết.

  • Nguyên nhân từ lòng ống tiêu hóa: Tại lòng ống tiêu hóa, một số nguyên nhân như thiểu năng tuyến tụy, bệnh xơ nang, viêm tụy mãn tính, ung thư tụy hay do giảm tiết dịch mật và một số loại thuốc có thể sẽ gây ra hội chứng kém hấp thu.
  • Hội chứng kém hấp thu do cấu trúc ống tiêu hóa: Nguyên nhân là do thức ăn bị đẩy nhanh đến ruột sau cắt dạ dày, cắt dây thần kinh phế vị, nối vị tràng. Hoặc do rò ruột, tắc nghẽn túi thừa, tăng sinh vi khuẩn ruột non, thiếu máu mạc treo ruột…
  • Nguyên nhân ngoài đường tiêu hóa: Các bệnh cường giáp, suy giáp, Addison, tiểu đường, suy tuyến cận giáp, bệnh ngoài da, suy dinh dưỡng, các chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do thuốc xổ…. có thể gây hội chứng kém hấp thu.
  • Hội chứng kém hấp thu ở người lớn cũng giống như đối với người trẻ nhưng tình trạng suy tụy có thể xảy ra mà không rõ ràng hoặc có thể do chứng quá phát vi khuẩn ruột nhưng không có bất thường về ruột.

Khi bị hội chứng kém hấp thu, người bệnh có thể bị các triệu chứng về tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy và gây ra một loạt biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng và gãy xương, hội chứng kém hấp thu ở trẻ em gây chậm tăng trưởng.

Ngoài ra, hội chứng này có thể ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng đa lượng, chất dinh dưỡng vi lượng gây ra thải quá nhiều phân, thiếu dinh dưỡng, chứng dạ dày – tá tràng. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng sớm để có phương pháp điều trị là cần thiết. Các triệu chứng sau có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng kém hấp thu:

  • Triệu chứng hội chứng kém hấp thu ở người lớn thường là giảm cân không có chủ ý, mệt mỏi. Hội chứng kém hấp thu ở trẻ em là còi cọc, chậm phát triển.
  • Tiêu chảy kéo dài ít nhất 3 lần mỗi ngày trong hơn 4 tuần và đi kèm chứng tiêu phân mỡ.
  • Có các dấu hiệu của chứng thiếu thiếu sắt không thiếu máu, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin B12, chảy máu do thiếu vitamin K…

2. Tìm hiểu về bệnh rối loạn tiêu hóa

Tiêu hóa là quá trình biến thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa vào máu. Nhưng nếu vì một nguyên nhân nào đó làm thay đổi quá trình tiêu hóa thức ăn thì gọi là rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa là hậu quả của một số nguyên nhân, trường hợp tình trạng này kéo dài và không điều trị thì người bệnh có thể sẽ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa như hội chứng kém hấp thu, ung thư đường ruột….

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể là do:

  • Viêm đại tràng
  • Bệnh lý dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng…
  • Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột sẽ gây rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn.
  • Chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn các chất có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa, ăn uống không đúng bữa và không điều độ.
  • Sử dụng nhiều thức uống có cồn gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

Khi bị rối loạn tiêu hóa các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Chướng bụng: Bụng sẽ căng, khó chịu sau khi ăn xong vì thức ăn không được tiêu hóa hết.
  • Buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ nóng, chán ăn
  • Đau bụng âm ỉ, đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên hoặc dưới, vùng dạ dày. Mức độ đau từ nhẹ đến nặng và lan rộng ra.
  • Đại tiện bất thường như tiêu chảy, táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày,… khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược.

3. Điều trị và phòng ngừa hội chứng kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa

3.1. Điều trị và phòng ngừa hội chứng kém hấp thu

  • Việc điều trị hội chứng kém hấp thu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Cụ thể:
  • Do chế độ ăn: Người bệnh nên có chế độ ăn uống đặc biệt gồm các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn. Bệnh Celiac cần chế độ ăn không có gluten
  • Đường ruột hoạt động quá mức: Trường hợp do đường ruột hoạt động quá mức, có thể người bệnh phải dùng thuốc để thư giãn và giúp các chất dinh dưỡng đi vào máu.
  • Nhiễm trùng: Nếu hội chứng kém hấp thu do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh.
  • Trường hợp do bệnh lý: Cần phải điều trị các bệnh gây ra hội chứng này. Ví dụ, nếu hội chứng kém hấp thu do tắc mật thì cần phẫu thuật khi có tắc mật, dùng steroid nếu do bệnh Crohn, thiếu folate và vitamin B12 thì tiêm vitamin B12 trước khi bổ sung folate…

Việc phòng ngừa hội chứng kém hấp thu khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp bị bệnh loét dạ dày, u xơ nang hoặc các bệnh mãn tính khác. Vì vậy, tốt nhất cần có chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh và khoa học để phòng tránh bệnh. Đồng thời nên khám định kỳ bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.

3.2. Điều trị và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Việc điều trị rối loạn tiêu hóa tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Cụ thể như sau:

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Nên ăn chín uống sôi, không ăn đồ cay nóng, chua, quá nhiều đạm hoặc mỡ. Nên được bổ sung men tiêu hóa và các loại hỗ trợ tiêu hóa.
  • Sử dụng thuốc: Rối loạn tiêu hóa do các các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa thì nên sử dụng kháng sinh đúng liều dưới sự tư vấn của bác sĩ.
  • Trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng như mất nước do nôn, tiêu chảy, sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước,… cần điều trị tại bệnh viện.

Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, mỗi người cần xây dựng cho mình một lối sống khoa học và lành mạnh như:

  • Ăn uống đủ chất, ăn chín uống sôi.
  • Hạn chế thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa và các thức uống có cồn.
  • Bổ sung men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường ruột và bổ sung các vitamin, khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng.
  • Có thói quen đi vệ sinh khoa học.
  • Nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ.
  • Tập luyện thể thao lành mạnh.
Tác giả: Thúy Anh
Tags:
Thúy Anh
Tác giả
Thúy Anh

Dược sĩ Đại học

Mạng xã hội