Bách bộ và những công dụng theo y học cổ truyền
Theo Đông y, bách bộ có tính ấm, vị ngọt, đắng, quy kinh Phế. Do đó, thảo dược tự nhiên này thường được sử dụng làm thuốc bổ phổi, ôn phế, sát trùng và chữa ho.
Tóm tắt nội dung
Mô tả dược liệu
Tên khác: Dây ba mươi, sam sip lạc (gọi theo tiếng Tày), hiungui (Giarai), síp (Thái), rabat tơhai hoặc đẹt ác
Tên khoa học: Stemona tuberosa
Họ: Bách Bộ (Stemonaceae)
Đặc điểm tự nhiên
Bách bộ thuộc loại thân cỏ, moc leo, dài khoảng 6 – 8 m. Lá đơn, mọc đối, phiến lá hình tim, gân lá hình cung. Hoa mọc riêng lẻ hoặc cụm 2 hoa ở nách lá, kích thước lớn, màu vàng đỏ. Bao hoa gồm bốn phiến, 2 phiến ngoài dài 4 cm, rộng 5 mm, 2 phiến trong rộng hơn hai phiến ngoài. Bộ nhị gồm 4 nhị với chỉ nhị ngắn. Quả nang, hình trứng, mang 5 – 8 hạt.
Mỗi cây mang một chùm rễ củ, mập, hình trụ, mọc thành khóm dày thường từ 10 – 30 củ, có khi lên đến 100 củ, dài từ 15 – 20 cm, màu trắng ngả vàng, vị ngọt, hậu đắng.
Phân bố
Dây ba mươi có thể tìm thấy nhiều ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia hay Nhật Bản,… Ở Việt nam, cây mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi như Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Giang,…
Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của cây bách bộ là rễ củ. Thu hái vào cuối thu năm trước đến đầu xuân năm sau. Đào lấy rễ củ, loại bỏ đất cát và rễ con, đổ qua hơi nước (hoặc nhúng vào nước sôi), lấy ra đem phơi hoặc sấy nhẹ cho khô. Những củ lo có thể bổ dọc làm đôi
Thành phần hóa học
Có nhiều alcaloid khác nhau, có glucid (2,3%), lipid (0,84%), protid (9,25%) và acid hữu cơ (acid citric, malic, oxalic…).
Bách bộ có chứa nhiều alcaloid, trong đó hoạt chất chính là stemonin.
Tác Dụng Dược Lý Của Bách bộ
Tính vị
Tính ấm, vị ngọt, đắng
Quy kinh
Phế
Tác dụng dược lý
Tác dụng theo Y học cổ truyền
Dây ba mươi có tác dụng sát trùng, diệt rận và nhuận phế chỉ khái. Do đó, thuốc có tác dụng chữa bách nhật khái (ho gà), giun kim, chàm lở, thương phong khái thấu, phế lao và chấy rận.
Theo y học cổ truyền
Theo Tuệ tĩnh toàn tập, bách bộ có vị ngọt đắng, tính hơi ấm, không độc, mát phổi, chữa ho lâu ngày, lao và bệnh cổ độc.
Theo y học hiện đại
Theo Đỗ Tất Lợi, dân gian dùng bách bộ để trị ho, trị giun sán và diệt sâu bọ.
Tác dụng chữa ho
Bách bộ có chứa hoạt chất stemonin có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp, do đó ức chế phản xạ ho.
Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Diệp Đình Thiện (Trung Quốc) cho thấy dùng Bách bộ chữa bệnh lao hạch có hiệu quả tốt.
Tác dụng sát trùng và chữa giun
Dung dịch stemonin 0,15% sẽ làm giun tê liệt sau 5 – 10 phút.
Đem dung dịch bách bộ 10% trong rượu 70% ngâm hoặc phun vào rận sẽ làm chết rận.
Trong thời gian kháng chiến, cao nước bách bộ được uống để tẩy giun (uống 3 thìa cà phê mỗi lần).
Tác dụng kháng sinh
Đã có bằng chứng cho thấy bách bộ có tác dụng sát khuẩn với các loại vi khuẩn trong ruột già, diệt được khuẩn lỵ và phó thương hàn.
Cách dùng và liều lượng
Dây ba mươi được dùng dưới dạng thuốc sắc, nấu thành cao hoặc nghiền thành bột. Liều lượng dùng phụ thuộc vào từng bệnh lý. Cụ thể, đối với ho, liều dùng mỗi ngày dưới dạng nấu thành cao hoặc sắc thuốc là 6 – 20 gram, còn đối với trị giun đũa 7 – 10 gram, giun kim 40 gram bách bộ tươi,…
Kiêng kỵ
Mặc dù bách bộ có tác dụng bổ phổi, giúp chữa ho và một số bệnh lý khác nhưng những người có tỳ vị hư yếu không nên dùng thuốc tránh ngộ độc. Trong trường hợp ngộ độc, người bệnh nên giải độc bằng cách uống nước ép gừng tươi.