Viêm phế quản và cách điều trị
Viêm phế quản là một bệnh lý ở đường hô hấp dưới rất hay gặp . Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ mắc đang ngày một gia tăng, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Việc hiểu biết đúng đắn về viêm phế quản sẽ giúp chúng ta dự phòng bệnh tốt hơn, chẩn đoán chính xác và điều trị mang lại hiệu quả cao.
Tóm tắt nội dung
Bệnh viêm phế quản là gì?
Phế quản là một ống dẫn khí nằm trong hệ hô hấp dưới của con người. Đây là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong phổi hình thành cây phế quản. Nhiệm vụ chính của phế quản là dẫn khí vào phổi.
Viêm phế quản liên quan đến tình trạng nhiễm trùng niêm mạc ống phế quản, từ đó dẫn đến các phản ứng viêm xảy ra tại đây. Phế quản là ống để không khí di chuyển. Những người bị viêm phế quản thường ho ra chất đờm dày.
Phân loại:
• Viêm phế quản cấp tính
Tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn làm cho đường hô hấp trong phổi sưng và đầy chất nhầy. Loại cấp tính thường kéo dài trong vài tuần;
Ở giai đoạn cấp tính, tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương. Thông thường, nguyên nhân gây bệnh là do vi rút.
• Viêm phế quản mạn tính
loại này kích thích liên tục các ống phế quản. Bệnh có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm. Viêm phế quản mãn tính nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.
Đây là giai đoạn phát triển xấu đi của thể cấp tính. Ở giai đoạn này, ống phế quản sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng bệnh nguy hiểm (đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính).
Triệu chứng viêm phế quản
• Ho: Triệu chứng của bệnh viêm phế quản nổi bật nhất là ho. Tuy nhiên đây không phải là triệu chứng đặc hiệu do nó có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh về đường hô hấp. Dựa trên tiếng ho, bác sĩ có thể phán đoán được người bệnh đang viêm phần nào của đường hô hấp. Người bệnh có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho thành từng tiếng.
• Sốt: Người bệnh viêm phế quản sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, sốt cao. Các cơn sốt có thể diễn ra theo cơn hoặc sốt liên tục kéo dài. Một số trường hợp bệnh nhân không xảy ra triệu chứng này.
• Tiết đờm: Đờm tiết ra ở đường hô hấp là sản phẩm của phản ứng viêm. Màu sắc đờm của người bệnh mắc viêm phế quản có thể là màu xanh, vàng hoặc trắng.
• Thở khò khè: Do lòng phế quản bị thu hẹp nên thành phế quản bị phù nề, co thắt cơ trơn phế quản… Không khí qua khe hẹp ở phế quản sẽ phát ra tiếng khò khè. Tiếng thở khò khè của người bệnh viêm phế quản khác với người bệnh hen phế quản. Cụ thể, khi thử với thuốc khí dung thì bệnh sẽ không đáp ứng hoặc đáp ứng kém hơn hen phế quản.
Một số triệu chứng viêm phế quản khác mà người bệnh cần lưu ý gồm:
• Thở nhanh hơn bình thường, khó thở
• Xuất hiện Rale ẩm
• Đờm di chuyển trong lòng ống phế quản tạo thành tiếng khi không khi lưu thông
• Thay đổi về tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính.
Nguyên nhân viêm phế quản
Virus: hơn 90% các trường hợp viêm phế quản hiện nay là do sự tấn công của vi rút. Số người mắc bệnh cao nhất rơi vào mùa đông xuân vì những mùa này là thời kì phát triển cực thịnh của virus.
Vi khuẩn: Là nguyên nhân ít gặp hơn so với virus. Thường thấy nhất là nhóm các vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma và Chlamydia. Ho gà cũng là một loại vi khuẩn hay gặp.
Tác động của môi trường: Bụi bẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc… là những tác nhân phổ biến gây tổn thương đường hô hấp, từ đó gây nên viêm phế quản.
Sức đề kháng kém: Hệ thống miễn dịch của người bệnh bị tổn thương là điều kiện thuận lợi để vi rút tấn công gây bệnh. Đặc biệt, nếu người bệnh đang mắc phải bệnh lý khác như cảm lạnh… Thông thường, người mắc viêm phế quản do nguyên nhân này chủ yếu là đối tượng người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Ảnh hưởng của công việc: Những người làm việc trong môi trường chứa chất kích thích đến phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn những người khác. Nhóm đối tượng này thường là thợ cơ khí, thợ may hoặc công nhân của các nhà máy phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, khói trong quá trình sản xuất.
Ảnh hưởng của bệnh lý trào ngược dạ dày: Theo các bác sĩ, trào ngược dạ dày có thể gây ra viêm phế quản nếu người bệnh không can thiệp kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến tổn thương ống phế quản là do sự lặp lại của các cơn ợ nóng, ợ chua kích thích vùng cổ họng.
Viêm phế quản có nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp bệnh nhân đều không quá nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy vậy, vẫn có một phần nhỏ bệnh nhân xuất hiện biến chứng thành tình trạng nguy hiểm với những diễn biến khó hơn như:
• Bệnh lý hen phế quản: Đây là biến chứng rất hay gặp nếu người bệnh mắc hen phế quản trong thời gian dài. Hen sẽ khiến bạn trở nên khó khăn trong hô hấp, hít thở hoặc gây cản trở quá trình lưu thông không khí của người bệnh.
• Viêm phổi: Viêm phổi là tình trạng bệnh lý thường xuất hiện do bị viêm phế quản kéo dài cùng với sự suy giảm miễn dịch dẫn tới hiện tượng nhiễm trùng phổi, tổn thương các tổ chức tế bào tại phổi, từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và chức năng ban đầu của phổi.
• Các bệnh tim mạch: Viêm phế quản kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp mà chúng còn là cơ hội “vàng” cho các loại virus có cơ hội xâm nhập, di chuyển tới các bộ phận, cơ quan nội tạng khác trong cơ thể trong đó có tim. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động co bóp của tim mạch.
Viêm phế quản có lây không?
Một trong các vấn đề liên quan đến căn bệnh này được nhiều người quan tâm là viêm phế quản có lây không. Thực tế, nếu nguyên nhân gây viêm phế quản người lớn và trẻ nhỏ đến từ tình trạng nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn, bệnh có nhiều nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường ho hoặc hắt hơi.
Do đó, để phòng ngừa rủi ro lây nhiễm, bạn nên tập thói quen:
• Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc từ ngoài vào nhà
• Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy
• Nếu bạn có triệu chứng viêm phế quản, lưu ý hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu
Các phương pháp chẩn đoán viêm phế quản
Sau khi hỏi về các dấu hiệu viêm phế quản đang xảy ra, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để lắng nghe kỹ tiếng phổi khi thở. Các bài kiểm tra tiếp theo cũng sẽ được đề nghị, bao gồm:
• Chụp X-quang ngực: giúp bác sĩ phát hiện những biểu hiện bất thường trong phế quản cũng như phổi
• Các xét nghiệm đờm: các chuyên gia sẽ lấy mẫu dịch từ phổi hoặc phế quản để đem đi phân tích và tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng tại đây
• Kiểm tra chức năng phổi: mục tiêu của thủ thuật này là đo lượng không khí mà phổi có thể giữ được và tốc độ không khí được đẩy ra khỏi phổi. Áp dụng phương pháp kiểm tra chức năng phổi sẽ giúp bác sĩ kiểm tra dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc khí phế thủng.
Điều trị viêm phế quản
Hơn 90% viêm phế quản là do virus vì vậy trong nhiều trường hợp, viêm phế quản không cần điều trị kháng sinh.
Liệu pháp kháng sinh: Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ điểm nhiễm trùng do vi khuẩn như tổng trạng xấu, sốt kéo dài, khạc đờm xanh, đờm vàng, hoặc đờm mủ, hoặc những trường hợp viêm phế quản cấp ở người có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi có ho cấp tính kèm theo hai hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau: bệnh nhân nhập viện trong 1 năm trước, có đái tháo đường type 1, type 2, tiền sử suy tim xung huyết, hiện đang dùng corticoid uống.
Điều trị triệu chứng
• Sốt: Có hai loại thuốc hạ sốt quan trọng đó là acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Với ibuprofen chỉ dùng khi có chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (từ 38,5 độ C trở lên). Với những trẻ có bệnh lý về tim, phổi, thần kinh…cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc hạ sốt. Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em, người bị hen, người bị loét dạ dày- tá tràng… Lau mát hạ sốt không được khuyến cáo thường quy.
• Ho: Ho là một phản xạ có lợi để tống đờm, vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi ho nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ…Người bệnh nên uống nhiều nước, giúp cải thiện việc ho, khạc đờm. Có thể dùng thêm các thuốc long đờm trong trường hợp có đờm đặc, hoặc khó khạc đờm. Người bệnh không nên dùng thuốc giảm ho, do các thuốc giảm ho thường làm giảm việc bài tiết đờm, do vậy làm chậm sự phục hồi của bệnh nhân.
Khi điều trị tối ưu mà bệnh nhân còn ho nhiều, cần lưu ý tình trạng co thắt phế quản, hoặc cần lưu ý thêm các bệnh lý kèm theo như trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh chưa được chẩn đoán chính xác.
• Sổ mũi, nghẹt mũi: Không dùng các thuốc kháng histamine và các thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi vì nguy cơ tác dụng phụ rất cao. Việc vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý được khuyến khích. Phun hơi ẩm trong phòng ở có thể giúp làm giảm khô mũi. Đối với trẻ em, không cần khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản nếu trẻ không có biểu hiện khò khè, hoặc khò khè nhưng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
• Thuốc làm loãng đờm: Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm như acetylcystein, bromhexin, carbocystein… Tuy nhiên hiệu quả của những loại thuốc này ở trẻ em khá hạn chế. Thuốc chỉ phát huy tác dụng khi trẻ được uống đủ nước. Mà nước bản thân nó đã là thuốc loãng đờm tốt nhất, vì vậy khuyến khích trẻ uống nhiều nước là biện một pháp điều trị hỗ trợ quan trọng.
• Khí dung thuốc giãn phế quản: Có thể dùng thuốc giãn phế quản khí dung, tuy nhiên chỉ khí dung nếu tình trạng khò khè có sự cải thiện phần nào sau khí dung, vì vậy cần thiết khí dung tại cơ sở y tế và bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc. Không nên sử dụng các loại thuốc giãn phế quản đường uống vì hiệu quả thấp mà lại có tác dụng phụ như: run tay, hồi hộp, đánh trống ngực, đỏ mặt…
• Thuốc kháng virus: Không khuyến cáo sử dụng thường quy, tuy nhiên bác sĩ có thể cân nhắc nếu nghi ngờ tác nhân gây bệnh là virus cúm, thuốc kháng virus cúm nếu cho cần cho sớm trong 36 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.
• Khoáng chất và vitamin: Vitamin C được chứng minh là không giúp ích gì trong việc điều trị đợt cấp của viêm nhiễm hô hấp. Kẽm có thể có tác dụng nhưng rất ít và tác dụng phụ của kẽm là gây buồn nôn.
Hầu hết các trường hợp bệnh tự giới hạn và sẽ khỏi sau 2-3 tuần. Một số trường hợp có biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi. Những trường hợp này cần dùng kháng sinh để điều trị.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Một số thay đổi nhỏ trong lối sinh hoạt hàng ngày sau đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bị bệnh viêm phế quản ở trẻ em và cả người lớn. Chúng bao gồm:
• Bỏ thuốc lá
• Không ở gần người đang hút thuốc nhằm tránh nguy cơ hút thuốc lá bị động
• Đeo khẩu trang, mặt nạ chuyên dụng khi làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm hoặc dọn dẹp nhà cửa
• Sử dụng máy làm ẩm. Không khí ấm áp với độ ẩm vừa phải có thể giúp giảm ho và làm lỏng chất nhầy tích tụ trong phế quản.