Nên ăn gì để phòng tránh rối loạn tiêu hóa?

SKĐS – Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến ở mọi độ tuổi, có thể được cải thiện nhờ việc lựa chọn thực phẩm tốt cho đường ruột. Vậy khi bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì, kiêng ăn gì?

Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hóa là hội chứng gây ra do sự co bất thường của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa dẫn tới đau bụng và thay đổi việc đại tiện. Nói cách khác, chứng rối loạn tiêu hóa là tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh vật dẫn tới loạn khuẩn ở đường ruột.

Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa là gì?

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm lên men, đồ uống có ga, chế biến đồ ăn không hợp vệ sinh dễ dẫn tới rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy…
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh: Vì kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn mạnh nên nếu bạn sử dụng quá nhiều, vô tình sẽ tiêu diệt luôn cả lợi khuẩn từ đó gây rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, táo bón, ợ nóng…
  • Uống nhiều rượu bia: Khi sử dụng nhiều chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, cơ thể sẽ bị hao hụt lượng lớn men tiêu hóa gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Bên cạnh đó còn gây tổn thương niêm mạc và hội chứng ruột kích thích. Người bệnh sẽ thường cảm thấy buồn nôn, ợ nóng, đau bụng, khó tiêu hóa, đại tiện nhiều lần.
  • Bệnh lý về đường tiêu hóa: Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như viêm đại tràng cấp tính, loét dạ dày, loét ruột thừa, ở nóng, hoặc bệnh hen suyễn, tiểu đường cũng khiến hệ tiêu hóa gặp trục trặc.

Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?

Từ lúc chúng ta nuốt thức ăn, quá trình tiêu hóa đã bắt đầu, hệ tiêu hóa làm việc chuyển hóa thức ăn thành các phần nhỏ hơn để cơ thể dễ hấp thu. Khẩu phần ăn chứa những thực phẩm tốt cho quá trình chuyển đổi chất dinh dưỡng sẽ tốt cho hệ tiêu hóa. Vậy khi bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?

  • Chuối

Với hàm lượng kali dồi dào, chuối sẽ giúp bù đắp lượng kali và chất điện giải hao hụt khi xuất hiện tình trạng nôn ói, đi ngoài nhiều khiến mất nước. Bên cạnh đó, chuối cũng là thực phẩm giàu chất xơ, giúp hấp thụ hết các dịch thừa tại đường ruột, tạo sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện tình trạng tiêu hóa bị loạn.

  • Dứa

Chất xơ trong dứa hỗ trợ thúc đẩy sự hấp thu protein trong cơ thể, từ đó giúp giảm các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.

  • Khoai lang

Người bị rối loạn tiêu hóa nên ăn khoai lang vì trong loại củ này chứa lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và carbohydrate cao, có khả năng hỗ trợ chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, tăng cường sức khỏe đường ruột.

  • Sữa chua

Muốn cải thiện rối loạn tiêu hóa ăn sữa chua rất hiệu quả. Trong sữa chua có chứa probiotic và lượng lớn lợi khuẩn giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng, tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, sữa chua rất tốt trong giảm táo bón và hạn chế nguy cơ tiêu chảy, khó tiêu.

  • Quả bơ

Ăn bơ rất tốt cho đường tiêu hóa cũng như túi mật, tuyến tụy và gan nhờ hàm lượng chất xơ và chất béo không bão hòa đơn lành mạnh cao. Bơ cũng giúp chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A rất cần thiết cho niêm mạc lót của toàn bộ đường tiêu hóa.

  • Táo

Táo là loại trái cây giàu vitamin C, chất xơ hòa tan và không hòa tan, giúp đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ táo bón, đầy bụng. Đồng thời cung cấp vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe tổng thể.

  • Ngũ cốc nguyên hạt

Chất xơ, vitamin và khoáng chất trong các loại ngũ cốc nguyên hạt giúp đường ruột trơn tru, giảm táo bón, cải thiện các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa.

  • Gừng

Với đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, gừng có tác dụng rất tốt trong cải thiện đầy bụng khó tiêu. Ngoài ra gừng còn giúp đẩy lùi chứng buồn nôn, co thắt dạ dày.

  • Thịt trắng

Thịt đỏ giàu dinh dưỡng được nhiều người ưa thích nhưng lại dễ gây đầy bụng, khó tiêu hóa. Nên nếu bạn đang gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa thì nên chuyển sang ăn thịt trắng như thịt gà, cá để hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.

Người bị rối loạn tiêu hóa cần chú ý:

  • Đường tiêu hóa đang gặp trục trặc nên ngoài việc ăn những đồ ăn tốt cho tiêu hóa, người bị rối loạn tiêu hóa cần chú ý những việc sau để cơ thể nhanh phục hồi, đảm bảo sức khỏe;
  • Các bữa ăn hợp lý, đồ ăn cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn đồ chín, nói không với món tái, sống;
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, giảm bớt thịt, không ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng men tiêu hóa để cung cấp lượng lớn lợi khuẩn giúp đường ruột ổn định nhanh hơn;
  • Uống đủ nước, có thể bổ sung nước khoáng nhiều kali, magie;
  • Không uống rượu bia, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, không uống nước có ga.
Tác giả: Thúy Anh
Tags:
Thúy Anh
Tác giả
Thúy Anh

Dược sĩ Đại học

Mạng xã hội